Thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử trong dạy học Ngữ văn

(NTO) Xuất phát từ vai trò, tác dụng to lớn của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, bắt đầu từ năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT đã ra Chỉ thị tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng CNTT trong trường học. Từ đó đến nay, việc đưa công nghệ thông tin vào trường học luôn được ngành giáo dục coi là nhiệm vụ trọng tâm của các năm học. Phong trào xây dựng bài giảng điện tử đã được nhiều giáo viên ứng dụng ngày càng rộng rãi và hiệu quả.

Riêng đối với môn Ngữ văn, bài giảng điện tử sẽ giúp tiết học trở nên sinh động, thu hút sự chú ý của học sinh do có những minh họa sinh động như: tranh ảnh, phim tư liệu, những bài hát, khúc ngâm…. Giáo viên và học sinh cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, kinh phí với các ngữ liệu được chuẩn bị trên máy tính trong các giờ Tiếng Việt, Tập làm văn. Các sơ đồ, bảng biểu trong giờ ôn tập giúp học sinh hệ thống, khái quát hóa bài học. Riêng những giờ thực hành như luyện nói, sưu tầm văn học địa phương… phần chuẩn bị bài của học sinh sẽ hiện lên thật cụ thể, rõ ràng, giúp người thuyết trình dễ trình bày và tập thể lớp tiện theo dõi, nhận xét. Từ đó học sinh trở nên năng động và sáng tạo hơn.

Tuy nhiên, việc giảng dạy môn Văn luôn có những đặc trưng riêng biệt vì văn chương vốn là nghệ thuật của ngôn từ. Việc dạy – học Ngữ văn không đơn thuần chỉ là cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết mà còn dạy cách tiếp nhận tác phẩm, bồi dưỡng năng lực cảm thụ và năng lực ngôn ngữ. Hoạt động này đòi hỏi người thầy phải vận dụng nhiều phương pháp, phương tiện dạy học khác nhau một cách linh hoạt, phù hợp. Đặc biệt, khi dạy về một tác phẩm văn chương, nhiệm vụ của người giáo viên là phải làm sao giúp cho học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm từ lớp vỏ ngôn từ, tác động vào trí tưởng tượng của học sinh bằng sự phân tích, gợi ý và khả năng truyền thụ cảm xúc qua nét mặt, giọng nói, cử chỉ của mình. Đồng thời, hướng cho học sinh tự khám phá, phát hiện thêm những vẻ đẹp mới mẻ của tác phẩm. Đó chính là cái hay, nhưng cũng chính là cái khó của môn Văn. Cho nên, đối với việc ứng dụng bài giảng điện tử vào các giờ giảng văn, nếu không khéo léo sẽ làm mất đi chất văn vốn có của nội dung bài văn, câu thơ, làm giờ Văn trở nên khô cứng, thiếu cảm xúc. Mặt khác, nếu quá lạm dụng hiệu ứng, kỹ xảo vào việc dạy học có thể làm học sinh bối rối, khó tiếp thu, khó ghi chép khiến những em đã học yếu lại càng yếu hơn.

Để ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học Ngữ văn, theo kinh nghiệm của chúng tôi, giáo viên cần tiến hành theo các bước cơ bản sau:

- Bước 1: Xác định mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ cần đạt của tiết học và trọng tâm của bài dạy. Tham khảo các tài liệu và soạn giảng một giáo án thông thường theo đúng mẫu quy định. Trong đó, xác định rõ nội dung chính cần ghi bảng, tranh ảnh, tư liệu, ngữ liệu, bảng biểu, sơ đồ cần trình chiếu. Thứ tự xuất hiện của những tư liệu, ngữ liệu này trên màn hình.

- Bước 2: Truy cập internet để tìm kiếm những hình ảnh, bài hát, đoạn phim phù hợp với bài giảng, thông qua các bộ máy tìm kiếm như: Google, Bing,...hoặc các website hỗ trợ tài nguyên thực hiện giáo án điện tử. Lưu ý trên Internet chúng ta sẽ tìm thấy một kho tư liệu khổng lồ song phải lựa chọn được những tư liệu có nội dung sát thực nhất với vấn đề cần minh họa, kích cỡ, màu sắc, âm thanh phù hợp để đảm bảo độ rõ nét khi trình chiếu.

- Bước 3: Thiết kế các nội dung bài giảng trên các phần mềm hỗ trợ trình chiếu như: Microsoft Powerpoint,...

+ Chọn khung, nền, lần lượt đưa những tư liệu, ngữ liệu đã chuẩn bị vào từng nội dung bài giảng tương ứng.

+ Điều chỉnh kích cỡ, kiểu chữ, font chữ, kiểu trình chiếu cho phù hợp.

+ Kiểm tra thứ tự xuất hiện của các slide sao cho phù hợp với tiến trình bài giảng được thiết kế trong giáo án.

+ Tiến hành chạy thử và điều chỉnh cho hợp lý.

Khi thiết kế bài giảng điện tử cần lưu ý:

+ Xem xét, cân nhắc và lựa chọn thật kỹ những nội dung nào cần trình chiếu, tư liệu nào cần minh họa, trình chiếu và minh họa vào lúc nào cho thật hợp lý, tránh “tham lam” các loại thông tin, phim, ảnh không phù hợp làm giảm hiệu quả bài dạy.

+ Điều chỉnh các hiệu ứng phù hợp về màu sắc, kiểu chữ, cỡ chữ, cách chạy chữ, thiết kế màn hình, âm thanh, tiếng động phải phù hợp, tránh lạm dụng gây phân tán sự chú ý của học sinh vào nội dung chính của bài.

+ Cần hoạch định thật chính xác nội dung cần ghi bảng, nội dung trình chiếu, và những vấn đề đòi hỏi học sinh phải làm việc hoặc tập trung sự chú ý vào nét mặt, lời nói của giáo viên.

+ Chuẩn bị phương án dự phòng dạy học không sử dụng công nghệ thông tin khi có sự cố máy tính hư hỏng, cúp điện xảy ra.

Khi sử dụng bài giảng điện tử trên lớp, giáo viên cần chú ý:

+ Kết hợp nhuần nhuyễn bài giảng điện tử với các phương pháp dạy học tích cực khác như thuyết giảng, đàm thoại, thảo luận nhóm, nêu vấn đề…

+ Kết hợp hài hòa giữa các thao tác: cho học sinh quan sát tư liệu- ngữ liệu; phát vấn để các em suy nghĩ, thảo luận, phát biểu; tổng hợp ý và ghi bảng nội dung chính.

+ Tuyệt đối không nên dùng màn hình máy chiếu thay thế hoàn toàn cho phấn trắng bảng đen. Có thể trình chiếu những phần nội dung, bảng biểu phức tạp. Song vẫn phải ghi bảng những ý cơ bản để đảm bảo những học sinh yếu vẫn ghi chép kịp và tiếp thu bài đầy đủ.

+ Nên ẩn toàn bộ màn hình khi cần thu hút sự chú ý của học sinh vào nội dung trên bảng hoặc lời giảng của giáo viên.

+ Trong quá trình lên lớp, giáo viên cần lưu ý đến khả năng tiếp thu , lĩnh hội kiến thức, khả năng ghi chép bài của học sinh để có hướng điều chỉnh kịp thời.

Để thiết kế và sử dụng tốt bài giảng điện tử, giáo viên phải đạt trình độ vi tính ở mức cụ thể: Soạn thảo văn bản, sử dụng thành thạo một phần mềm soạn bài giảng để trình chiếu (Microsoft Powerpoint,...), biết khai thác các kho tư liệu liên quan đến bộ môn trên internet, scan các hình ảnh trên sách báo, cắt ghép các đoạn video cho phù hợp với nội dung bài giảng, đổi đuôi các định dạng video, âm thanh, hình ảnh cho tương thích.

Nói tóm lại, sự hỗ trợ của bài giảng điện tử trong giảng dạy nói chung, trong dạy học Ngữ văn nói riêng sẽ giúp giáo viên tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, kính phí. Việc sử dụng tốt các tư liệu minh họa sống động, đa dạng sẽ làm học sinh học tập hứng thú hơn. Từ đó, góp phần đổi mới phương pháp dạy học từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Ngữ văn. Mặc dù vậy song các phương tiện dù hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế hoàn toàn vai trò chủ động, sáng tạo của giáo viên trong việc tổ chức các họat động học tập cho học sinh. Vì vậy, việc vận dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy là cần thiết nhưng phải kết hợp linh hoạt với phương pháp, phương tiện dạy học truyền thống như thuyết trình, bình giảng, phấn trắng, bảng đen…sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể, có hiệu quả và phát huy tốt tính tích cực, độc lập học tập của học sinh.