Bài dự thi: Giải báo chí Báo Ninh Thuận “Tri ân Thầy, cô giáo”

Mãi nhớ về thầy cô giáo.

(NTO) Khoảng thời gian cấp hai và cấp ba là khoảng thời gian mà thầy cô đã giúp tôi rất nhiều để có được hình dung cho tương lai của bản thân. Tôi không biết mình có khả năng viết văn hay không, tôi cũng không biết rằng tại sao tôi lại trở nên yêu văn thơ hơn những bài toán. Nhưng tôi biết, tôi yêu cách cô giảng bài, tôi yêu giọng thơ cô đọc ấm áp, tôi yêu phong thái và cách ứng xử của cô với học sinh.

Từ đó tôi yêu văn hơn, từ một cô bé làm văn lủng củng và đặc biệt rất ghét văn, vậy mà cô đã làm tôi thay đổi. Người cô ấy là giáo viên dạy văn Nguyễn Thị Kim Thanh tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.

Thời gian trôi qua, tôi đã là nữ sinh của trường cấp ba nhất nhì trong tỉnh, nhưng cũng từ đây kết quả học tập của tôi đã không còn được tốt như xưa. Tôi cũng không hiểu sao tôi lại sa sút tinh thần học tập như vậy, nhưng trong tôi vẫn luôn muốn mình cố gắng. Bài văn tôi viết giờ đã không còn hay như trước, cảm nhận văn chương cũng dở tệ. Tôi nhận ra phong cách của mình không còn độ mượt mà của văn chương mà chỉ có những ý kiến rất hiện thực, trong văn tôi đã không còn thơ nữa. Cũng kể từ đó, tôi nghĩ rằng tôi sẽ từ bỏ văn thôi. Nhưng phải làm sao đây khi kỳ thi đại học sắp tới, kiến thức bên tự nhiên thì tôi không bằng bạn bè trong lớp thì làm sao có thể vượt “vũ môn” được. Tôi vẫn tiếp tục theo văn và tôi được biết đến thầy Nguyễn Đức Thạch, dạy văn tại Trường THPT Chu Văn An.

Ấn tượng đầu tiên nhìn thầy rất giống người thân dường như không có cảm giác cách biệt, thầy không chỉ dạy về kiến thức mà còn dạy cả về nhân cách, lối ứng xử và rất nhiều những kiến thức xã hội mà tôi đã không chú ý tới. Tôi còn nhớ như in câu nói ngày nào của thầy: “Những gì thầy dạy đây sau này các em có thể tự sống được với nó”. Khi nghe câu nói ấy tôi không hiểu lắm, rồi thời gian tôi nhận ra đó là thực tế, đó là lối tư duy, sáng tạo và cả tự lập nữa. Tôi như chợt tỉnh giấc sau những tháng ngày ngủ vùi trong tiếc nuối và chợt nhận ra “À thì ra kiến thức không chỉ là sách vở”. Tôi cố gắng hơn để vớt vát lại những gì đã bỏ quên và rồi tôi cũng đậu đại học. Từ một đứa con gái có thể nói là sống thu mình, khá nhút nhát, tôi bước vào đại học nhưng với thái độ hòa nhã hơn, biết cách xã giao, ứng xử, biết tham gia những hoạt động của trường, của khoa. Tất cả là nhờ những gì mà thầy cô đã dạy, tôi đã gỡ bỏ được "vỏ ốc" của mình.

Sau bốn năm đại học, tôi có đăng ký tham gia một kỳ thi học thuật về sinh viên nghiên cứu khoa học của trường. Tôi biết rằng mình học được là kiến thức sách vở, nhưng tôi muốn nó phải áp dụng được thực tế. Tôi từ bỏ một chỗ thực tập khá tốt mà phải vất vả lắm tôi mới xin được ở thành phố để về Bác Ái thực tập và nghiên cứu làm bài. Ngày đầu tiên tôi như chợt bừng tỉnh rằng sách vở dường như chỉ là một khía cạnh, huyện Bác Ái tuy có đô thị hóa nhanh, tuy có điện, đường, trường, trạm song vẫn còn chậm và hoang vu quá. Tôi bắt đầu thấy nản, tự hỏi lòng tại sao lại từ bỏ thành phố hoa lệ và sầm uất về nơi hoang vu và hẻo lánh, nhìn đâu cũng thấy cây thấy núi thế này. Hai hàng nước mắt chực rơi, nhưng sau đó lại vui mừng vỡ òa vì đồng bào Raglai thật tốt và nhiệt tình quá.

Tôi xin được ở lại khu tập thể của giáo viên tại Trường Tiểu học Phước Thắng để tiện cho việc nghiên cứu. Tôi sống ở đây một thời gian và thấy được tấm lòng của thầy cô tại một huyện miền núi thật quá "vĩ đại". Họ cũng chỉ là những thanh niên hơn tôi một hai tuổi thôi. Nhưng vì tình yêu nghề, yêu trẻ, họ đã gác lại cuộc sống hoa lệ để về huyện miền núi, tâm nguyện mang con chữ về cho các em Raglai. Là những buổi tối ngồi soạn giáo án tới 2 – 3 giờ sáng vì trường còn đang thiếu thiết bị nên các thầy cô phải thay phiên nhau soạn bài, sau đó muốn in bài phải đi một khoảng đường hơn 20km mới có chỗ photocopy, nhưng không phải thầy cô nào cũng có xe máy để đi lại. Là những buổi sáng khi tôi còn vùi đầu trong chăn ấm thì các thầy cô đã phải tất bật chuẩn bị bữa ăn sáng cho các em. Những buổi trưa nắng gắt, giờ học vừa tan các thầy cô đã lo thông báo cho các em đến nhà ăn để ăn trưa. Những khẩu phần ăn được chia cho từng em, các em ăn xong mới đến các thầy cô. Vì là huyện miền núi, gia đình còn khó khăn, các em phải nghỉ học để phụ gia đình, các thầy cô lại tìm đến tận nhà an ủi động viên cha mẹ cho con em mình theo học. Vất vả là thế, nhưng trên hết vì tình yêu trẻ, yêu nghề mà thầy cô ở đây luôn đầy nhiệt huyết, vui tươi, năng động. Vẫn là những buổi sáng với tiếng trống trường rộn vang, các em nhỏ ê a đọc bài, đã làm tôi thấy lại cả tuổi thơ của mình và nhất là thấy yêu thầy cô hơn. Những hy sinh thầm lặng nhưng được mấy ai hy sinh được như vậy, cảm thấy mình cần phải học nhiều hơn ý chí, tinh thần và nhiệt huyết của thầy cô Trường Tiểu học Phước Thắng.

Qua bài viết này, tôi muốn gởi đến lời tri ân tất cả thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam nói chung và chân thành cảm ơn thầy cô Trường Tiểu học Phước Thắng đã giúp tôi nhận ra mình cần gì, giúp tôi có thêm tinh thần hoàn thành đề tài.