Tận tâm một đời thầy

(NTO) Tốt nghiệp đại học năm 1974, thầy rời Huế vào nhận nhiệm vụ ở trường THPT Nguyễn Du (Ninh Sơn). Hai năm sau (1976), khi trường THPT An Phước được thành lập, thầy đã về đây tiếp tục đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục Ninh Phước.

Nhật Bản bây giờ chưa bắt đầu đông, mà trời vẫn lạnh lắm. Tôi hiểu, vì mình là người con của xứ sở nắng gió. Chỉ cần chút se se lạnh chuyển mùa là tê tái. Mùa này, nơi quê nhà đúng là vậy…

Cũng may, kết thúc hơn 35 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà, thầy DƯƠNG TUẤN, nguyên giáo viên Trường THPT An Phước, đã có nơi trú ngụ của riêng mình khi phải rời xa căn phòng tập thể bao năm từ số tiền bán đất cùng nhiều nguồn hỗ trợ khác. Nhưng có lẽ, cái lạnh vẫn len lỏi cùng sự cô độc và thiếu vắng tiếng học trò trong những giờ lên lớp…

Tôi không biết chắc mình là người học trò thứ bao nhiêu trong số nhiều thế hệ học trò đã từng đi qua đời thầy trong từng ấy năm. Tôi cũng không biết rõ có bao nhiêu học trò còn nhớ về thầy, nhưng tôi tin là rất nhiều…

Sau ngày ra trường, cũng có người quay về làm nghề dạy bên thầy. Nhiều người công tác tại quê nhà cũng thường lui tới thăm hỏi. Nhưng hình như, rất nhiều người trong số chúng tôi hiện giờ lưu lạc phương xa. Đôi khi xin phép thầy được ngụy biện bởi nhiều lý do mà chưa về thăm thầy được! Nhưng đâu đó trong những câu chuyện, trong những giây phút hoài niệm, mỗi đứa học trò ấy đều đã bắt đầu nhận ra lòng thương và bài học quý giá trong đời mà người thầy đáng kính đã âm thầm truyền vào máu vào thịt mình từ ngày còn ngây dại. Phong cách và nhân cách sống không phải bao giờ cũng được truyền dạy một cách giản đơn!

Rõ ràng, không ai trong chúng ta có thể chối bỏ được ký ức. Càng không thể khi chúng tựa như tay vịn để vững bước theo cùng năm tháng. Tôi vẫn nhớ như in cái lần thầy đáp trả sự thuộc bài cuả mình bằng một điểm 0 để in dấu một kỷ niệm. Là học sinh phổ thông, tôi đơn giản nghĩ, mình chỉ nói sai một từ thôi, có là gì đâu…. Nhưng thay thế cho sự tức tưởi, thầy ôn tồn bảo: Thuộc bài chưa hẳn là tốt, mà phải hiểu bài. Chỉ cần em nói sai một từ, mà đó là từ quan trọng thì xem như ý nghĩa của vấn đề không còn…. Có ai nào biết, chính những đòi hỏi về sự chính xác đó sau này lại có ý nghĩa đối với công việc của tôi vô cùng.

Hồi ấy, không riêng gì tôi, cả lũ bạn đều than phiền về sự khó tính của thầy. Rồi chúng tôi giận lây vì không hiểu vì sao có thầy cô lại có thể thân với thầy đến như vậy. Để rồi, mãi đến sau này, khi làm thầy, tôi mới chợt nhận ra nhân cách và tình thương nơi con người ấy. Chúng tôi hiểu, đằng sau sự khắc khe, có cả vẻ xù xì và lập dị kia (như lời học trò) là cả một tình yêu ẩn kín. Quả thật, nếu thầy chọn cách bộc lộ quá rõ niềm thương yêu của mình thông qua sự dễ dãi thì không biết có đủ sức để trui rèn đám học trò "nhất quỷ nhì ma…"

Hơn 35 năm, thầy vẫn gắn bó với sự lựa chọn của mình, với ngôi trường thân thương. Có ai biết, trong nhiều năm trước, đằng sau những nhọc nhằn cơm áo, thầy vẫn âm thầm dành một phần tiền lương ít ỏi để đầu tư tài liệu, dụng cụ cho việc giảng dạy. Thay vì theo đuổi thú vui, thầy đã dành thời gian cầm cụi cắt cắt, vẽ vẽ từng tấm bản đồ, từng hình ảnh minh họa. Hơn ai hết, thầy hiểu rõ, với đám học trò non trẻ này, trực quan sinh động vẫn là điều thiết yếu nhất. Còn nhớ, hồi luyện thi đại học, tôi được một thầy giáo chỉ cách vẽ lược đồ Việt Nam thật đơn giản nhưng khoa học và chính xác. Hỏi ra mới biết, đó là “sản phẩm” của thầy Dương Tuấn. Rồi từng thế hệ sinh viên chuyền cho nhau, đến giờ, nó đã trở thành cách thức phổ biến cho lũ học trò của nhiều nơi trên cả nước.

Kinh nghiệm nhiều, bản lĩnh không thiếu, uy tín đủ đầy, gần như năm nào thầy cũng được mời tham gia vào những công việc chuyên môn ở vị trí quan trọng, từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Huân chương thầy nhận được nhiều nhất chính là hằn dấu thời gian trên những nếp nhăn và căn bệnh hen suyễn. Tôi hiểu, sự cống hiến âm thầm bao giờ cũng khó phai dấu!

Đã lâu lắm rồi chúng tôi chưa về thăm lại ngôi trường xưa một cách đúng nghĩa. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng, tận sâu trong trái tim mình, hình ảnh về trường lớp, và những bài học quý giá vẫn còn đọng mãi… Nơi đó, chúng tôi đã từng in dấu kỷ niệm của một phần đời mình. Từ nơi đó, chúng tôi bước đi… Để nơi đó, có một người thầy vẫn luôn ngóng đợi những thành công của học trò mình…




  

 
  • Trần Tuấn
    Bài viết quá hay! Mong là tất cả những thầy cô đều tận tâm với công việc như thầy. Tôi chọn bài này!
    thuatproa@yahoo.com
  • Trần Tuấn Thuật
    Cảm ơn tất cả những thầy cô, những người đã dạy cho chúng em nên người!
    tuanthuat@gmail.com
  • Ngọc Hiệp
    Thầy là một người đặc biệt. Có lẽ ai đã từng là học sinh An Phước đều ghi đậm hình ảnh của Thầy Tuấn. EM chúc Thầy luôn khỏe mạnh, thảnh thơi với những ngày tháng không còn đứng trên bục giảng!
    khungcuakhep@yahoo.com
  • Tôn Tấn Đông
    Anh Hiếu đã thay lời cho bao thế hệ học sinh của ngôi trường này, gửi lời tri ân đến người thầy đáng kính
    tontandong10@yahoo.com
  • Tôn Tấn Thi
    Một người thầy đáng kính...! Nhân cách ấy bao người có được trong cuộc sống đầy rẫy những cám dỗ,những thực tế phũ phàng...!
    Chúc thầy luôn dồi dào sức khỏe...
    tanthinp@gmail.com
  • Nguyễn Thân Đức Hạnh
    Bài viết không dài nhưng đủ để làm người đọc cảm động. Ắt hẳn người Thầy có tên Dương Tuấn sẽ không thể nào cầm được nước mắt khi biết rằng ở xứ sở hoa anh đào xa xôi vẫn còn đó một người học sinh luôn nhớ đến mình....
    nguyenthanduchanh@yahoo.com
  • Ngô Ngọc Trân
    Cảm ơn bạn về bài viết, ngày xưa mình cũng từng rất ghét giờ của thầy vì thầy khó tính, mình toàn tìm cách để xin nghỉ giờ thầy giảng. Lạ mỗi lần xin thầy đều cho phép. Có hôm bị thầy cho điểm thấp, ghét thầy ghê vì mình cũng thuộc bài mà. Ra trường rồi mới thấy quý cái tình cảm thầy dành cho học trò. Cảm ơn bạn một lần nữa, tết này sẽ kêu gọi 12A quay lại trường xưa để thăm thầy.
    ngongoctran@gmail.com
  • Lê Thị Kim Lộc
    Thầy! 1 nhà giáo tận tâm. Chúc thầy luôn dồi dào sức khỏe!
    locspk2984@yahoo.com
  • hòa nguyễn
    Bài viết rất là sâu sắc. Xin được chia sẻ với người viết.
    hoa.law31@gmail.com
  • Ngọc Nam
    Chúc cho thầy luôn khỏe mạnh và tiếp tục với nghề đưa đò đầy khó khăn này. Em tin rằng các thế hệ học trò của thầy sẽ luôn noi gương thầy, để rồi trở thành những người công dân có ích !
    Và chúc thầy 20-11 tới thật nhiều niềm vui và ý nghĩa !
    ngocnam2110@gmail.com