So với gạo trắng, gạo lứt đã được chứng minh là cải thiện lượng đường trong máu sau bữa ăn, kiểm soát trọng lượng cơ thể và mức cholesterol. Nhưng khi tiêu thụ gạo lứt, người bệnh cũng cần chú ý đến khẩu phần ăn và kết hợp với các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh và protein nạc để giảm thiểu lượng đường trong máu tăng đột biến.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại gạo lứt như gạo lứt đỏ, gạo lứt nâu, gạo lứt đen. Mỗi loại gạo lứt khác nhau sẽ có thành phần dinh dưỡng và ưu điểm khác nhau. Vì vậy người bệnh đái tháo đường nên phối hợp cả 3 loại trên để nhận được dinh dưỡng tối ưu.
Khi nấu cơm gạo lứt nên nấu cùng với các loại hạt như hạt đậu, hạt sen... để bổ sung thêm nguồn đạm thực vật và chất xơ giúp làm giảm chỉ số đường huyết của bát cơm gạo lứt, giúp hạn chế tăng đường huyết sau khi ăn.
Lưu ý không nên sử dụng gạo lứt đối với người bệnh mắc bệnh thận mạn tính vì giàu phospho và kali. Gạo lứt chứa nhiều chất xơ gây khó tiêu nên người đang bị rối loạn tiêu hóa, bị khó tiêu hoặc mới phẫu thuật đường tiêu hóa không nên ăn.
B.H (Theo Báo SK&ĐS)