Tàu cá ngư dân huyện Thuận Nam vươn khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: V.M
Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 2.291 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, trong đó có 845 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đủ điều kiện tham gia khai thác xa bờ và có khoảng 18.000 lao động tham gia làm việc trên tàu cá (lao động làm việc theo vụ mùa chiếm khoảng 25%). Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Song song với hoạt động khuyến khích ngư dân vươn khơi, tỉnh quyết liệt triển khai hoạt động IUU. Đến nay, 100% số tàu hoạt động vùng khơi của tỉnh đều đã được cấp giấy phép khai thác hải sản; tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,7% (trong đó 100% tàu cá từ 24m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình); tỷ lệ tàu cá được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đạt 99,6%; hoàn thành 100% việc cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).
Với sự nỗ lực vươn khơi và ứng dụng công nghệ trong khai thác, trong 9 tháng năm 2023 ngư dân trong tỉnh khai thác được trên 115.204 tấn hải sản các loại, tăng 1,8% so cùng kỳ. Qua theo dõi và đánh giá, việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá theo các khuyến nghị của EC đã có nhiều tiến bộ, đa phần các tàu đánh bắt xa bờ đều tuân thủ nghiêm túc việc khai báo, nộp sổ nhật ký khai thác. Hiện tại, toàn tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Về chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, tỉnh cũng chưa có lô hàng thủy sản nào yêu cầu chứng nhận.
Công tác khai thác hải sản thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngư dân chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của khai thác IUU, dẫn đến việc tuân thủ chưa nghiêm các quy định trong khai thác thủy sản. Trong khi đó cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế; hệ thống giám sát, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản còn chưa đồng bộ dẫn đến việc khó khăn trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Để khắc phục những hạn chế trên, góp phần hỗ trợ ngư dân phát triển nghề cá bền vững, hướng đến gỡ "thẻ vàng" của EC; UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu cắt giảm số tàu trung bình hằng năm tổi thiểu từ 1,5% đối với tàu hoạt động vùng khơi, 4% đối với tàu hoạt động vùng lộng và 5% đối với tàu hoạt động vùng biển ven bờ trên tổng số tàu cá hiện có của tỉnh. Cấp giấy chấp thuận đóng mới tàu theo hướng ưu tiên các nghề thân thiện với môi trường, tàu được cơ giới hóa cao trong các khâu khai thác và bảo quản sản phẩm, sử dụng vỏ tàu bằng kim loại, vật liệu mới; không cấp giấy chấp thuận đóng mới, cải hoán đối với tàu làm nghề lưới kéo. Đồng thời, chuyển đổi các nghề ven bờ, vùng lộng sang nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản đối với các địa phương có tiềm năng. Đối với nhóm tàu cá vùng khơi đang hoạt động sẽ hạn chế phát triển nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ, cho phép chủ tàu hoạt động kiêm nghề ít xâm hại môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản để chủ tàu có đủ thời gian và kinh phí tiếp cận với nghề chuyển đổi mới.
Thu mua hải sản tại cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).
Để đạt các mục tiêu trên, tỉnh đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện kế hoạch với năm nhóm giải pháp thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân thấy được tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững. Mặt khác, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác thủy sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thủy sản, đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Anh Tuấn