Đơn cử như Trang trại nuôi cá tầm ở xã vùng cao Phước Bình. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy điều kiện tự nhiên ở Phước Bình có nguồn nước trong lành, nền nhiệt ổn định từ 18-24 độ C rất thích hợp để nuôi cá tầm nước ngọt, ông Nguyễn Viết Thùy ở xã Phước Bình đã đầu tư trang trại nuôi cá tầm thương phẩm, mỗi năm cung ứng gần 150 tấn cá cho thị trường, mang về nguồn thu hàng tỷ đồng/tháng cho DN. Ông Thùy cho biết: Nếu như nuôi cá tầm ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng mất thời gian khoảng 13-14 tháng mới thu hoạch ở xã Phước Bình chỉ 11-12 tháng đã thu hoạch. Thành công với mô hình nuôi cá tầm, hiện DN tiếp tục thử nghiệm nuôi loại cá mú nước ngọt được nhập từ Australia. Mô hình nuôi mới này không chỉ mang lại thu nhập cao cho trang trại mà còn tạo ra việc làm cho người dân địa phương và góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của vùng đất Phước Bình đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
Mô hình nuôi cá tầm mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã vùng cao Phước Bình.
Cũng như Trang trại nuôi cá tầm ở xã Phước Bình, với mong muốn mang đến những sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng, giữa năm 2019, anh Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp CNC Nam Miền Trung đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại xã Phước Tiến. Trang trại nông nghiệp sạch của anh có quy mô trên 5 ha, trong đó anh đầu tư hơn 3 tỷ đồng để làm hệ thống nhà màng phủ nilon với diện tích trên 7.000 m2 trồng các loại cây: Dưa lưới và dưa lê ứng dụng CNC. Bên cạnh đó, anh còn ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất như công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel, nhằm cung cấp nước vào rễ cây, giúp tiết kiệm 30-60% lượng nước và phân bón thông thường. Tuy vốn đầu tư cao nhưng diện tích này được cách ly với sâu bệnh gây hại, cho sản phẩm chất lượng cao và an toàn cho người sử dụng. Bằng sự kiên trì, chịu khó, mô hình nông nghiệp CNC của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm được bán ở các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Anh Hạnh, cho biết: Thời gian đầu lên vùng đất Bác Ái khởi nghiệp với mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nhiều người cho rằng mình sẽ khó thành công với mô hình này. Nhưng sau 20 vụ sản xuất, trang trại đưa ra thị trường trên 270 tấn dưa lưới chất lượng cao, đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 10 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 5,5 triệu đến 6 triệu đồng/ người/tháng.
Tính đến thời điểm hiện nay, huyện Bác Ái đã quy hoạch quy hoạch 3 vùng phát triển nông nghiệp CNC tại 3 xã: Phước Trung, Phước Tiến và Phước Thắng, thu hút được 5 DN đầu tư sản xuất với các loại cây trồng và vật nuôi như: Mía, dưa lưới, dưa lê, rau sạch, bưởi da xanh, mô hình trồng chuối già Nam Mỹ..., Toàn huyện đã phát triển 24 trang trại chăn nuôi có liên kết với các DN chăn nuôi theo chuỗi khép kín, 7 trang trại trồng trọt, 6 trang trại tổng hợp và 1 trang trại thủy sản, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phục tráng một số giống cây trồng, vật nuôi bản địa chuyển giao cho người dân áp dụng. Trong năm 2020, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh với đề tài “Điều tra, chọn lọc, phục tráng và phát triển giống heo đen địa phương của huyện Bác Ái”. Đến nay, mô hình đã chuyển giao cho HTX Dịch vụ Sản xuất tổng hợp Nông nghiệp Phước Đại và HTX Dịch vụ tổng hợp Phước Tiến. Năm 2022, hỗ trợ đầu tư dự án trồng dưa lưới của HTX Nông nghiệp CNC Nam Miền Trung với tổng kinh phí 700 triệu đồng; hỗ trợ nhân rộng tưới nước tiết kiệm với tổng mức đầu tư trên 2,9 tỷ đồng/43,685ha, qua đó giúp các DN và người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, giúp nâng cao chất lượng và tăng thu nhập cho các DN và hộ dân.
Mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng công nghệ cao tại huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên
Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết: Nông nghiệp CNC đang tạo động lực phát triển cho huyện Bác Ái, đây sẽ là điều kiện quan trọng để nông dân địa phương chuyển từ hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, có quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa dồi dào, chất lượng, mở ra hướng làm giàu mới cho người dân và DN. Thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi các DN, trang trại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng CNC vào sản xuất nông nghiệp với nội dung thiết thực, phù hợp đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học CNC gắn với mô hình sản xuất, tổ chức sản xuất phù hợp. Áp dụng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù gắn với hình thành và phát huy hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất. Củng cố, xây dựng mối liên kết bền chặt giữa nông dân với DN tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa dồi dào và chất lượng trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về đất đai, lao động ở địa phương...
Kha Hân