Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Ủy ban Pháp luật Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở, trong đó có nội dung về ưu đãi chính sách cho nhà ở xã hội.
Theo VCCI, dự thảo Luật Nhà ở, người được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội, chủ yếu là có thu nhập thấp, không có điều kiện mua nhà ở thương mại. Tuy nhiên, thực tế nhiều người không thuộc nhóm này cũng không có khả năng mua nhà. Ví dụ người lao động đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức thấp.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 thì “những người thu nhập thấp tại khu vực đô thị”; “công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp”; “cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức” để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Khu nhà ở xã hội Ecohome 2. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN
VCCI cho rằng, thuế thu nhập cá nhân không phải là thuế đánh vào những người có thu nhập cao. Những người nộp thuế thu nhập đối với khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương chưa hẳn là những người có thu nhập cao (vì lương trên 11 triệu đồng đã phải chịu thuế). Với mức lương này cùng với các khoản chi tiêu trong cuộc sống, việc người lao động có thể tích góp để mua được nhà ở thương mại là rất khó.
Vì vậy, VCCI đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo hướng, những người thuộc diện phải nộp thuế thu nhập đối với khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định về thuế thu nhập cá nhân (tuy nhiên có giới hạn về mức đóng thuế – có thể là đóng thuế ở mức lũy tiến thứ 2 chẳng hạn) cũng thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Theo quy định tại khoản 12 Điều 74 dự thảo, “Doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp” thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Việc chỉ giới hạn là doanh nghiệp, hợp tác xã trong “khu công nghiệp” là chưa hợp lý, bởi vì thực tế các doanh nghiệp ở khu chế xuất, khu kinh tế, các doanh nghiệp có quy mô sử dụng lao động lớn cũng có nhu cầu thuê nhà lưu trú cho công nhân. Đề nghị mở rộng đối tượng mà không chỉ giới hạn trong “khu công nghiệp”.
Đặc biệt, về nội dung bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, VCCI cho rằng, tại điểm c khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 86 dự thảo quy định về điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai, nhà ở có sẵn trong đó phải đáp ứng điều kiện “Đã có văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán”. Việc yêu cầu phải có “văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh” khiến cho quy trình bán nhà ở xã hội trở nên phức tạp và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho chủ đầu tư. Nhà nước có thể kiểm soát bằng hậu kiểm. VCCI kiến nghị bỏ quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 87 dự thảo.
Một nội dung nữa được cho là “nóng” trong thời gian qua là quy định chỗ để xe của nhà chung cư (Điều 142). Theo Khoản 1 Điều 142 Dự thảo quy định “khu vực sạc điện cho xe phải được xác định rõ trong hồ sơ thiết kế, không được bố trí tại tầng hầm nhà chung cư và phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật”.
Quy định này được hiểu nhằm tránh nguy cơ cháy nổ do sạc xe điện gây ra. Tuy nhiên, quy định không cho phép bố trí khu vực sạc điện cho xe tại tầng hầm cần được xem xét vì điều này gây khó khăn cho những người ở chung cư sử dụng xe điện. Nhiều chung cư sẽ không có không gian bố trí chỗ sạc điện bên ngoài tầng hầm, điều này sẽ gây bất tiện, khó khăn cho những người sử dụng xe điện.
VCCI kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng, yêu cầu khu vực sạc điện được bố trí riêng tại tầng hầm, thay vì cấm như quy định tại dự thảo.
Theo TTXVN/Báo Tin tức