Những ngày qua, các cấp đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm tổ chức nhiều hoạt động chăm lo như: Thăm hỏi, tặng quà, múa hát, rước đèn, phá cỗ…với mong muốn mang đến cho TEKT một mùa Trung thu ấm áp, ý nghĩa. Như thường lệ, năm nay Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh cũng tổ chức chương trình Vui hội Trăng Rằm cho học sinh toàn trường. Những tiết mục được dàn dựng mộc mạc, đơn sơ nhưng đầy ắp tình yêu thương của các thầy cô giáo Trung tâm dành cho những “bông hoa khuyết cánh” có thêm động lực, niềm vui tự tin “tỏa hương” hòa nhập cùng cộng đồng.
Học sinh Trường Khuyết tật Quảng Sơn được tiếp cận chương trình giáo dục
hỗ trợ phát triển hòa nhập.
Cùng với việc thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ tết, công tác chăm sóc, giáo dục TEKT được quan tâm, thực hiện xuyên suốt, liên tục. Toàn tỉnh hiện có 1.176 TEKT, trong đó có 196 TEKT từ 0 đến 5 tuổi; 440 TEKT từ 6 đến 11 tuổi và 540 TEKT từ 12 đến dưới 16 tuổi. Đa số gia đình có TEKT có hoàn cảnh khó khăn chưa đủ điều kiện để chăm sóc, giáo dục trẻ một cách toàn diện. Trên cơ sở Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh kịp thời ban hành Kế hoạch số 5591/KH-UBND ngày 27/12/2018 việc triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ TEKT tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025 (gọi tắt là Đề án).
Là đơn vị chủ quản thực hiện Đề án, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình và xã hội cùng chung tay chăm lo, hỗ trợ TEKT. Qua đó, hằng năm Sở LĐ-TB&XH tổ chức các hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhân kỷ niệm ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4, ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12; Phối hợp với Báo Ninh Thuận thực hiện Chuyên trang TEKT; tổ chức được 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc TEKT với trên 800 cán bộ tham gia.
Đồng hành với TEKT, thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, xoay quanh các nội dung như: tuyên truyền về Luật Người khuyết tật, Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2011-2030, các chính sách có liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của người khuyết tật… Các cơ sở giáo dục duy trì hiệu quả các hoạt động đội, nhóm, đôi bạn cùng tiến để hỗ trợ học sinh khuyết tật trong học tập và sinh hoạt hằng ngày; tổ chức các hoạt động kết nối giữa nhà trường, gia đình và địa phương để hỗ trợ chính sách cho học sinh khuyết tật. Từ nguồn hỗ trợ 750 triệu đồng của dự án QIPEDC (hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khiếm thính) của Ngân hàng thế giới tài trợ, từ năm 2019 đến năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên dạy trẻ khiếm thính, tập huấn cho cha, mẹ học sinh tiếp cận phương pháp dạy trẻ khiếm thính, xây dựng các phần mềm học tập môn Toán, Tiếng Việt... cho 17 TEKT, qua đó giúp các em có thêm điều kiện tốt hơn để phục hồi chức năng và phát triển trí tuệ.
Không chỉ hỗ trợ tiếp cận với dịch vụ bảo vệ, chăm sóc giáo dục, TEKT còn được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người khuyết tật theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ như: Hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí cho TEKT học hòa nhập hoặc học theo phương thức giáo dục chuyên biệt; trợ cấp hằng tháng đối với học sinh khuyết tật nặng…Ngoài ra, Sở LĐ-TB &XH tỉnh chủ động phối hợp với các đoàn bác sĩ khám, phẫu thuật cho 64 TEKT thuộc dạng khuyết tật như: sứt môi, hở hàm ếch, dư ngón,…qua đó mang đến cuộc sống mới cho các em nhỏ kém may mắn. Cùng chung niềm vui với các bạn khi được thăm khám và phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, em Mang Bảo B. (xã Bắc Sơn, Thuận Bắc) vui mừng chia sẻ: Không may con bị hở hàm ếch nhưng gia đình không có điều kiện cho con đi phẫu thuật. Nhờ chương trình, con được phẫu thuật miễn phí. Con cám ơn chương trình, đội ngũ y, bác sĩ đã giúp con thay đổi diện mạo, tự tin hơn trước đám đông.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB &XH, cho biết: Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là TEKT không chỉ là việc riêng của gia đình, nhà trường mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Qua gần 5 năm thực hiện Đề án, TEKT trên địa bàn tỉnh được quan tâm, phát triển toàn diện hơn. Với 80% TEKT được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; 70% cha mẹ, người chăm sóc TEKT được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ TEKT tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng. 90% cán bộ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các tổ chức xã hội có liên quan đến TEKT được trang bị kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực chuyên môn; 100% xã triển khai thiết lập mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục TEKT tại cộng đồng. Từ kết quả đạt được, mong rằng, thời gian tới cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội và toàn thể Nhân dân tiếp tục quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ, động viên để có nhiều TEKT trong xã hội được hỗ trợ, giúp các em hòa nhập cộng đồng vươn lên trong cuộc sống.
Mỹ Dung