Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), qua giám sát kế hoạch SDĐ tại các địa phương, việc đăng ký dự án (DA) đầu vào nhiều nhưng tỷ lệ kết quả đạt được rất thấp hoặc đang trong tình trạng dở dang. Có nhiều khả năng từ nay đến cuối năm sẽ không đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra. Cụ thể, việc triển khai thu hồi đất theo danh mục thực hiện trong năm 2023 đều đạt thấp, cụ thể như: Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đăng ký thực hiện 29 DA nhưng mới triển khai 13 DA; Ninh Phước có 19 DA nhưng mới triển khai 5 DA. Các huyện Thuận Nam đã triển khai 31/47 DA, Ninh Hải 25/39 DA, Thuận Bắc 7/26 DA, Bác Ái 30/39 DA và Ninh Sơn 19/29 DA. Về chuyển mục đích SDĐ, các địa phương cũng đạt tỷ lệ rất thấp; hiện mới chỉ có huyện Ninh Sơn hoàn thành 7/7 DA, còn lại các địa phương như: Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 3/6 DA, Thuận Nam 1/2 DA, Ninh Hải 6/9 DA. Các địa phương còn lại như Ninh Phước, Thuận Bắc và Bác Ái tiến độ triển khai rất chậm, có DA chưa thực hiện được.
Thực hiện kế hoạch SDĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng để quản lý đất đai hiệu quả.
Trong ảnh: Thi công công trình đường Tân Sơn-Tà Năng (Đức Trọng).
Đồng chí Lê Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Một số khó khăn trong thực hiện kế hoạch SDĐ hiện nay đó là các công trình liên quan đến đô thị chiếm diện tích lớn nhưng công tác tổ chức, triển khai chậm. Các công trình phụ thuộc vào nguồn vốn của trung ương chưa triển khai được nên việc thực hiện kế hoạch SDĐ, danh mục thu hồi đất và danh mục chuyển đổi đất lúa đều bị vướng. Các DA năng lượng, DA liên quan đến lưới điện phải triển khai thu hồi đất nhiều đợt hiện một số nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục. Tình trạng một số chủ đầu tư có đăng ký kế hoạch SDĐ, danh mục thu hồi đất nhưng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan về thu hồi đất. Đối với những khu đô thị, mặc dù có DA chưa xác định được nhà đầu tư nhưng các ngành, địa phương đã đưa vào kế hoạch SDĐ nên tỷ lệ thực hiện danh mục thu hồi đất đạt thấp.
Để khắc phục khó khăn trong thực hiện kế hoạch SDĐ, Sở TN&MT đã yêu cầu các địa phương, các chủ DA rà soát nhu cầu SDĐ cụ thể để đánh giá đầu vào làm cơ sở lập kế hoạch đảm bảo tính khả thi trong quá trình SDĐ. Mặt khác, đánh giá sâu kỹ, làm rõ nguyên nhân các tồn tại trong SDĐ để khắc phục trong thời gian tới. Nắm rõ quy định để giải quyết kịp thời các hồ sơ đủ điều kiện chuyển đổi mục đích SDĐ cho người dân.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Năm nay việc xây dựng kế hoạch SDĐ đã được triển khai sớm hơn; các địa phương cũng đã rà soát cụ thể từng diện tích đất trong diện thu hồi, đảm bảo tính khả thi hơn. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai thực hiện vẫn còn chậm và còn nhiều vướng mắc; nhất là chuyển mục đích SDĐ của người dân. Đây là những vấn đề cần được tháo gỡ để đảm bảo thực hiện kế hoạch SDĐ tốt hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Mặt khác tạo nguồn thu từ đất thông qua việc chuyển mục đích SDĐ cho các địa phương. Rút kinh nghiệm để đảm bảo thực hiện đúng quy định, chất lượng hiệu quả, hạn chế tình trạng ban hành kế hoạch SDĐ rồi còn phải cập nhật điều chỉnh.
Trong thời gian tới UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch SDĐ; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch SDĐ. Bên cạnh đó cần cải thiện công tác thu hồi đất, có cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với việc thu hồi đất để thực hiện các DA. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát việc thực hiện kế hoạch SDĐ; tăng cường tính dự báo, tính khả thi của kế hoạch SDĐ.
Việc khắc phục khó khăn trong thực hiện kế hoạch SDĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng để quản lý đất đai hiệu quả. Thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả SDĐ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Anh Tuấn