Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội

Nhằm phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội (TGXH) phù hợp với đặc điểm quy mô dân số và số lượng người dân, đảm bảo phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 966/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 29/9/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4074/KH-UBND thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở TGXH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của kế hoạch phấn đấu đến năm 2030 bảo đảm ít nhất 80% số người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có người chăm sóc được các cơ sở TGXH tư vấn, trợ giúp và quản lý. Tối thiểu 70% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng từ các cơ sở cai nghiện. Tối thiểu 90% các cơ sở TGXH bảo đảm các tiêu chí, điều kiện tiếp cận theo quy định đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp. Tối thiểu 50% số cơ sở ngoài công lập hiện có trong mạng lưới các cơ sở TGXH được củng cố, phát triển về chất lượng, công suất phục vụ. Đạt tối thiểu 70% số người có hoàn cảnh khó khăn được các cơ sở TGXH tư vấn, trợ giúp và quản lý trường hợp. Tầm nhìn đến năm 2050 cung cấp dịch vụ TGXH đến từng đơn vị hành chính cấp xã, đến các khu dân cư, bảo đảm các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và yếu thế được TGXH kịp thời, phù hợp với nhu cầu.

Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh: Mỹ Dung

Về phương án phát triển mạng lưới cơ sở TGXH, kế hoạch phấn đấu đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 7 cơ sở TGXH, gồm: 1 cơ sở cai nghiện ma túy; 1 trung tâm công tác xã hội; 3 cơ sở TGXH chăm sóc người cao tuổi; 2 cơ sở TGXH chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Quy mô của các cơ sở TGXH phải đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc cho từ 450-600 người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lang thang, cơ nhỡ; bảo đảm cung cấp dịch vụ cho tất cả các đối tượng cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy từ 200-250 học viên. Về phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên TGXH phải bảo đảm đủ về số lượng, định mức và trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về TGXH, cai nghiện ma túy và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ sở.

Để đạt được mục tiêu và phương án đề ra, UBND tỉnh đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố bám sát triển khai thực hiện. Cụ thể, đối với giải pháp về cơ chế, chính sách các đơn vị, địa phương cần rà soát, sắp xếp, chuyển đổi, tổ chức lại các cơ sở TGXH bảo đảm đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; bảo đảm chăm sóc và cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho người được TGXH. Áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù về tiếp cận đất đai, thuế, tín dụng và đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhằm thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân về phát triển cơ sở TGXH.

Về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, tập trung phát triển đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của cơ sở TGXH đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; định kỳ bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở TGXH, đặc biệt là người làm công tác cai nghiện ma túy và hoàn thiện chính sách thu hút cán bộ, nhân viên vào làm việc tại các cơ sở TGXH. Cùng với đó, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho cơ sở TGXH đạt tiêu chuẩn chăm sóc theo quy định của pháp luật, bảo đảm có các phân khu chức năng, các hạng mục công trình đáp ứng hoạt động chăm sóc, phục hồi chức năng, trị liệu, cung cấp dịch vụ công tác xã hội và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường…

Ngoài các giải pháp kể trên, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực trợ giúp xã hội, cai nghiện ma túy. Tăng cường thực hiện chuyển đổi số, công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác TGXH để nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ đối tượng tại các cơ sở TGXH. Đẩy mạnh truyền thông về chủ trương, chính sách, cơ chế, đặc biệt là chủ trương, cơ chế, chính sách xã hội hóa nhằm thu hút các nhà đầu tư. Khuyến khích hình thức hợp tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động của các cơ sở TGXH, đặc biệt đối với các mô hình TGXH chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần tổ chức công bố công khai quy hoạch mạng lưới cơ sở TGXH bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát công tác quản lý, thực hiện quy hoạch bảo đảm đúng quy định; phát huy vai trò của người dân, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát thực hiện quy hoạch.

Về nhiệm vụ cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, đơn vị, cơ sở liên quan triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch. Tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông như: Tập huấn, hội thảo..., để nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, viên chức tại các cơ sở TGXH; truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về lĩnh vực TGXH. Phối hợp tham mưu thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị cho các cơ sở TGXH nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ, chăm sóc cho đối tượng tại các đơn vị, cơ sở. Giao UBND các huyện, thành phố xây dựng và phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, các tổ chức, đơn vị, cơ sở liên quan triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch đối với các đối tượng cần TGXH theo tình hình thực tế của địa phương. Chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, lồng ghép kinh phí các chương trình, các đề án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch. Các sở, ban, ngành có liên căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch, định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15/11 hoặc báo cáo đột xuất (nếu có) qua Sở LĐ-TB&XH để tổng hợp báo cáo Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh theo quy định.