Cảnh giác lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (KGM) với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Nhận diện các hình thức lừa đảo trên không gian mạng

Theo số liệu tổng hợp của các ngành chức năng cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh tiếp nhận 55 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên KGM xảy ra 37 vụ, chiếm 67,3%. Các vụ lừa đảo gây thiệt hại khoảng 59 tỷ đồng, trong đó lừa đảo trên KGM thiệt hại khoảng 21 tỷ đồng, chiếm 35,6%.

Thượng tá Trịnh Văn Huyên, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên KGM gần đây diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như: Kết bạn qua mạng, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế yêu cầu nộp tiền để nhận quà; lập tài khoản mạng xã hội hoặc chiếm quyền quản trị mạng xã hội của người khác rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền; lập trang web đăng tải các nội dung sai sự thật hoặc tạo tài khoản mạng xã hội rao bán các mặt hàng, sau đó lừa bị hại chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt; giả danh nhân viên cơ quan nhà nước, công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thoại hoặc lập trang web giả mạo để khai thác thông tin cá nhân của bị hại, yêu cầu đóng tiền để nhận quà tặng, cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng, dọa liên quan đến vụ án và yêu cầu chuyển tiền để kiểm tra nhằm chiếm đoạt; thủ đoạn sử dụng các phần mềm, ứng dụng để giả giọng nói, khuôn mặt, giấy tờ của cơ quan nhà nước nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản; thủ đoạn lừa đảo thông qua hoạt động đầu tư kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, lợi dụng nhu cầu đầu tư của người dân, các đối tượng xây dựng website tạo thành các sàn giao dịch tài chính, sàn giao dịch thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế giả như shopping.cc, coolcat... kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp có hưởng hoa hồng giới thiệu, hưởng lợi trên số tiền đầu tư dựa trên chính sách khuyến mãi, chiết khấu..., người đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để đổi thành tiền “ảo” trong từng hệ thống, khi người tham gia đạt số lượng nhất định, chúng sẽ cho “sập sàn” hoặc cho máy chạy tự động giao dịch để chiếm đoạt số tiền nộp vào hệ thống của người chơi... và nhiều thủ đoạn khác lừa đảo tinh vi khác.

Lừa đảo tài chính ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Ảnh minh họa

Bằng những hình thức như trên, nhiều người dân đã bị lừa với số tiền từ vài chục triệu lên đến hàng tỷ đồng. Điển hình, vào cuối tháng 3/2024, anh Võ Văn Quang (sinh năm 1981), thường trú tại khu phố 5, phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) có đồng ý kết bạn và làm quen với tài khoản Facebook Nguyên Mai Anh, sau khi quen, anh Quang được Mai Anh hướng dẫn đăng ký bán hàng online trên mạng để kinh doanh đơn hàng thời trang với mỗi đơn hưởng 5% hoa hồng. Sau đó, anh Quang truy cập vào đường link: Saksof5th-us.com để đặt mua tổng cộng 4 đơn hàng với tổng giá trị hơn 96 triệu đồng và bị lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ số tài sản trên. Hay như, vào đầu tháng 6/2024, chị Lê Thị Bích Như (sinh năm 1978), khu phố 10, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) có tham gia chương trình “Kỳ Học Quân Đội Chính Quy” trên Facebook. Bị các đối tượng dụ đầu tư sinh lời và được chỉ dẫn tải ứng dụng Telegram để tham gia khảo sát xét duyệt học viên chính thức của “Trại Hè Học Kỳ Quân Đội 2024” tại Group HKQD7933. Tại đây, chị Như tham và bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Đấu tranh bài trừ tội phạm

Thượng tá Lương Xuân Quý, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) thông tin: Các đối tượng lừa đảo trên KGM hầu hết đều có sự hiểu biết về công nghệ thông tin, có tổ chức, chuẩn bị kịch bản từ trước để hoạt động phạm tội. Chúng nhắm đến nhiều nhóm đối tượng, song chủ yếu là người ít tiếp xúc, cập nhật các thông tin về thời sự, xã hội, như: Người cao tuổi mà đa số là phụ nữ, sinh viên, nhân viên văn phòng... mỗi nhóm độ tuổi khác nhau, đối tượng phạm tội sẽ thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là chúng đánh vào tâm lý lo sợ, lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng và chiếm đoạt tài sản.

Để phòng ngừa, đấu tranh kịp thời, hiệu quả với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh đã quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tiếp tục xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, nhất là trên KGM. Trong đó, tập trung khai thác tối đa ưu thế hoạt động truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, phối hợp xây dựng các bài viết, chuyên mục về đề tài phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên KGM, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo qua mạng.

Cùng với lực lượng Công an tỉnh, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên KGM, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh hiện đang quyết liệt triển khai công tác tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành hướng dẫn tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, cùng với đó Ngân hàng Nhà nước tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở và sử dụng tài tài khoản thanh toán đúng quy định với các cảnh báo phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên KGM, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa của người dân.

Cùng với đấu tranh ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên KGM, Công an tỉnh khuyến cáo người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Tự bản thân mỗi người dân cần chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội... Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở xác định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý. Ngoài xã hội, nếu nhận thấy đối tượng nào có dấu hiệu nghi ngờ, cần liên hệ ngay đến cơ quan công an gần nhất để xử lý, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện hành vi tiếp tay tội phạm.