Toàn huyện Thuận Bắc có 6 xã, với 31 thôn; trong đó, đồng bào DTTS có 6.999 hộ, chiếm 67% so với dân số toàn huyện. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân tộc, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và cụ thể hóa các nghị quyết của trung ương, của tỉnh với những giải pháp cụ thể sát với tình hình thực tế trên địa bàn. Nổi bật nhất là trong triển khai thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngoài kịp thời phân bổ vốn đến các đối tượng thụ hưởng, huyện tập trung chỉ đạo các xã chủ động rà soát, đánh giá thế mạnh từng khu vực, lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ, kết hợp bố trí những cây, con phù hợp để đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho bà con yên tâm phát triển sản xuất, đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo.
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp gia đình chị Dương Thị Gánh đầu tư sản xuất hiệu quả.
Bắc Sơn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện, thông qua các chính sách hỗ trợ thiết thực, nhiều mô hình phát triển kinh tế nông hộ được hình thành, đưa đời sống của đồng bào Chăm và Raglai nơi đây ngày càng nâng lên. Trao đổi với chị Dương Thị Gánh, ở thôn Bỉnh Nghĩa, chúng tôi được biết, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, mặc dù có đất canh tác nhưng do thiếu nước nên sản xuất kém hiệu quả. Được Nhà nước cấp cho 1 con bò, chị mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để làm chuồng, trồng cỏ và cải tạo đất sản xuất trồng một số cây ăn quả, 3 sào lúa, nhờ đó cải thiện đáng kể đời sống. Ông Mang Sạch, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, cho biết: Các chính sách dân tộc được triển khai kịp thời trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho người dân có thêm tư liệu sản xuất; hằng năm, số hộ thuộc diện khó khăn đều được nhận ưu đãi từ các nguồn hỗ trợ khác nhau từ cấp trên. Chỉ tính riêng trong năm 2024, trên địa bàn xã có 85 hộ dân được hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất, 17 hộ được hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch, với số tiền khoảng 850 triệu đồng.
Từ năm 2019 đến nay, thông qua vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện triển khai thực hiện 61 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chủ yếu là chăn nuôi bò, dê, heo đen sinh sản, với kinh phí trên 20,1 tỷ đồng và có trên 7.130 hộ DTTS được vay vốn tín dụng ưu đãi, với số tiền 294,27 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trên 25,9 tỷ đồng. Hiệu quả của các chương trình, dự án đã khai thác tốt tiềm năng lợi thế đất đai, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm hằng năm từ 3-4%.
Bên cạnh đó, huyện còn quan tâm thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn như: Duy tu, sửa chữa công trình đường giao thông, xây mới nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, hệ thống thoát nước, công trình điện phục vụ sản xuất; cải tạo các hạng mục công trình các trường học, trạm y tế xã... tại các vùng DTTS, với tổng vốn 62,152 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống giao thông phát triển nhanh chóng, với 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều được bê tông hoặc nhựa hóa; lưới điện quốc gia phủ kín đến các thôn, tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt đạt chuẩn trên 98%. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ về nhà ở, chăm sóc y tế, trợ cấp cho học sinh nghèo đến trường, trợ giúp pháp lý nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân cũng được quan tâm, chú trọng. Ông Chamaléa Ninh, người có uy tín thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải phấn khởi: Phát huy tốt nguồn lực hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bà con hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo; cùng với đó, nhiều công trình phục vụ vì lợi ích của cộng đồng hoàn thành, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ của người dân.
Đồng chí Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Trong thời gian đến, huyện tăng cường thu hút các nguồn lực ưu tiên đầu tư các hệ thống thủy lợi và xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Chú trọng giải quyết đất ở, nhà ở và đầu tư một số cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, khôi phục các làng nghề, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển bền vững khu vực đồng bào DTTS và miền núi ở địa phương.
Hồng Lâm