Trong thời gian qua, việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các sở, ban, ngành, địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện DVCTT của tỉnh; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật quy định, thực hiện tốt việc kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các bộ, ngành trung ương, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT được quan tâm thực hiện; tỷ lệ TTHC được công khai đầy đủ đạt 100%, tỷ lệ DVCTT toàn trình và hồ sơ tiếp nhận trực tuyến từng bước được đẩy mạnh. Một số sở, ngành, địa phương như: Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Ninh Sơn và các xã thuộc huyện Ninh Sơn..., đã quan tâm triển khai thực hiện tốt việc thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”
thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Phạm Lâm
Tuy nhiên, qua đánh giá chung của UBND tỉnh cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, đó là: Việc công bố, công khai TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia chưa kịp thời; tỷ lệ cung cấp DVCTT toàn trình và tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra (tỷ lệ DVCTT toàn trình đạt 53,8%, mục tiêu đề ra 80%; tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ 53,61%, mục tiêu đề ra 60%). Việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa thực chất, còn một số đơn vị có tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến còn thấp, nhất là đối với lĩnh vực đất đai. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn nhiều hạn chế, còn một số cơ quan, đơn vị có tỷ lệ số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC chưa cao; còn nhiều đơn vị có tỷ lệ thanh toán trực tuyến còn rất thấp, hoặc chưa tham gia thực hiện trên hệ thống.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại hạn chế trên là do một số sở, ban, ngành, địa phương chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện DVCTT, thực hiện ký số và số hóa kết quả gải quyết TTHC; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của DVCTT; việc số hóa hồ sơ, xây dựng cơ sở dữ liệu, nhất là các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện.
Để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT toàn trình trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; ngày 12/9/2024, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Công văn số 4176/UBND-VXNV yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện và sử dụng DVCTT; quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý phải gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (tài khoản VNeID mức 2) để thực hiện DVCTT khi có nhu cầu giao dịch nhằm giảm chi phí, thời gian đi lại.
Cùng với đó, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh công bố danh mục DVCTT theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ; ban hành danh mục DVCTT toàn trình theo quy định, đảm bảo tối thiểu 70% DVCTT toàn trình trên tổng số TTHC có đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia và tối thiểu 70% DVCTT được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình, trong tháng 10/2024 báo cáo kết quả thực hiện (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp).
Thực hiện nghiêm việc ký số và số hóa kết quả giải quyết TTHC theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; đảm bảo số hóa đầy đủ thành phần hồ sơ giải quyết TTHC tỉnh theo danh mục tại Quyết định số 789/QĐ-UBND ngày 7/9/2024 trên hệ thống nhằm làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại thông tin đã có; đảm bảo mục tiêu tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo Quyết định số 159/QĐ-UBND ngày 18/3/2024 của UBND tỉnh.
Tiếp tục phối hợp rà soát, cắt giảm các bước trong quy trình nội bộ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp tại cơ quan, đơn vị theo hướng cắt giảm bớt các bước trung gian không cần thiết, không hợp lý; tăng cường sử dụng việc kế thừa, tái sử dụng và chia sẻ dữ liệu trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ DVCTT. Thường xuyên rà soát, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC của đơn vị đảm bảo phù hợp, có thể xây dựng quy trình xử lý trên môi trường điện tử và tham mưu UBND tỉnh ban hành lại quy trình nếu có sự điều chỉnh, hoàn thành trong tháng 9/2024. Rà soát, lập danh mục TTHC có thu phí, lệ phí và danh mục TTHC không có kết quả giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành gửi về Sở Thông tin và Truyền thông để cấu hình trên hệ thống, trước ngày 27/9/2024. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi TTHC thuộc thẩm quyển quản lý của cơ quan, đơn vị trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, viên chức tham cập nhật đầy đủ hồ sơ lên hệ thống. Trong quá trình vận hành, sử dụng, khai thác hệ thống, nếu có khó khăn, vướng mắc, chủ động liên hệ với Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm Phục vụ hành chính công để được kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ xử lý.
Linh Giang