Niềm vui của đồng bào dân tộc Chăm Ninh Thuận

Trong không khí hân hoan hướng đến Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận năm 2024, những ngày này, đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh còn đón niềm vui khi tượng thờ vua Po Klong Garai và bia Phước Thiện vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận là bảo vật quốc gia.

Po Klong Garai là vị vua anh minh, chăm lo phát triển kinh tế, đặc biệt có công dẫn thủy nhập điền, chăm lo đời sống cho người dân ấm no, hạnh phúc. Vua Po Klong Garai được nhân dân nhớ ơn mà dấu tích của những công trình hiện vẫn còn, cụ thể như đập Nha Trinh ngày nay. Để tưởng nhớ và ghi công của Po Klong Garai, đồng bào dân tộc Chăm đã tôn thờ như một vị thần dưới dạng Mukhalinga gắn mặt tượng vua Po Klong Garai tại Đồi Trầu, phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ngày nay, tượng thờ vua Po Klong Garai được bảo vệ, giữ gìn nghiêm trang, được đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Bên trong Bảo tàng tỉnh, bia Phước Thiện được bảo quản trang trọng. Bia được phát hiện vào năm 1992, tại cánh đồng thuộc thôn Phước Thiện, xã Phước Sơn (Ninh Phước). Bia có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX, trên hai mặt tấm bia được khắc chữ Phạn (Sanskrit). Công trình này là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo mang đậm nét đặc trưng văn hóa riêng của người Chăm, vừa là văn bản cổ quý hiếm, tác phẩm văn học phản ánh về đời sống kinh tế - xã hội, phản ánh tài năng, công đức của các vị vua lúc bấy giờ, thể hiện giá trị nhân văn, thẩm mỹ tiêu biểu của nền văn hóa Chăm.

Bà con đồng bào dân tộc Chăm vui mừng khi xem tin tức 2 bảo vật quốc gia sẽ được công bố tại Ngày hội Văn hóa Chăm. Ảnh: L.Thi

Với những giá trị mang lại, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận tượng thờ vua Po Klong Garai và bia Phước Thiện là bảo vật quốc gia. Đây không chỉ niềm vui, tự hào của bà con đồng bào Chăm mà còn khẳng định sức sống mãnh liệt của các giá trị lịch sử, văn hóa Chăm được giữ gìn và bảo tồn hiệu quả trong thời gian dài. Là một trong những cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống Chăm. Ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) bày tỏ sự vui mừng khi hai bảo vật quốc gia sẽ được công bố tại ngày hội sắp tới. Ông Quyết cho biết: Chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước đã chăm lo cho đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Chăm Ninh Thuận nói riêng, trong đó có công tác bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản dân tộc. Để kế thừa và phát huy những kết quả này, những năm qua, bà con khu phố Bàu Trúc luôn nỗ lực giữ gìn, kế thừa làng nghề gốm cũng như phát huy các giá trị trong thúc đẩy kinh tế và du lịch tại địa phương. Đặc biệt, hưởng ứng ngày hội sắp tới, những ngày qua, bà con khu phố đang tích cực chuẩn bị, tập luyện các tiết mục văn hóa, văn nghệ, thể thao để tham gia cùng đoàn tỉnh nói riêng và các đoàn tỉnh bạn nói chung. Qua đó, chung tay vào sự thành công của ngày hội; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam nói chung và văn hóa Chăm đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Cùng chung niềm vui và sự phấn khởi này, ông Đổng Bạ, Phó Chủ tịch Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn cho biết: Đảng, Nhà nước và tỉnh ta rất quan tâm đến việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm. Nhất là những năm qua, các giá trị truyền thống của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận liên tiếp đón nhận những tin vui như: Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” trong Lễ hội Nho và Vang năm 2023; sắp tới là lễ công bố hai bảo vật quốc gia: Tượng thờ vua Po Klong Garai và bia ký Phước Thiện. Các di sản, bảo vật sau khi được ghi nhận và tôn vinh sẽ giúp cộng đồng càng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo hướng bền vững, phù hợp với Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Qua đó, ra sức chung tay hành động bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa để phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Anh Châu Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 4 bảo vật quốc gia, trong đó có 2 bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Mỗi bảo vật quốc gia kết tinh trong đó là câu chuyện về lịch sử, văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân trong tỉnh mà còn góp phần tăng sự hấp dẫn, sự quan tâm của du khách đối với di sản văn hóa đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Để nâng tầm giá trị bảo vật quốc gia, cùng với việc nâng cao trách nhiệm công tác bảo quản, bảo vệ và trưng bày hiện vật, thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tiếp tục nghiên cứu tham mưu cấp thẩm quyền xây dựng kế hoạch phát huy tốt bảo vật quốc gia gắn với phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến nhân dân trong và ngoài tỉnh về những giá trị vô giá của bảo vật quốc gia. Đồng thời tiếp tục xem xét, lựa chọn những hiện vật tiêu biểu, có giá trị để làm hồ sơ trình cấp thẩm quyền, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia nhiều hiện vật khác mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tỉnh Ninh Thuận.