Theo Thông tư số 11/2023/TT-BYT của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá (TL) hoàn toàn, bao gồm: Cơ sở y tế, giáo dục, khu vui chơi trẻ em và những nơi có nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài ra, việc cấm hút TL trong nhà áp dụng tại nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và các khu vực công cộng như nhà ga, bến xe, nhà hàng, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại. Các phương tiện như ô tô, máy bay, tàu điện cũng cấm hút hoàn toàn. Người vi phạm có thể bị cảnh cáo hoặc phạt từ 200.000 đến 500.000 đồng và trường hợp trên tàu bay sẽ bị xử phạt theo quy định hàng không.
Cán bộ y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá
cho người nhà bệnh nhân.
Mặc dù công tác PCTHTL đã được hiện thực hóa thành luật, nhưng tình trạng hút TL nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến. Không khó để bắt gặp hình ảnh những người hút TL nơi tập trung đông người, như: Nhà hàng, bến xe, khuôn viên bệnh viện, trường học... thậm chí ngay cạnh biển “Cấm hút thuốc lá”. Dù biết việc hút TL tại nơi công cộng bị cấm và có thể bị xử phạt, thế nhưng vẫn có rất nhiều người “vô tư” hút thuốc... Biết hút TL rất có hại cho sức khỏe, song do thói quen, áp lực công việc nên ông N.H.S, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) vẫn chưa thể bỏ được hút TL. Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người khác, ông thường ra ngoài, không bao giờ hút thuốc trong nhà hoặc cạnh những người xung quanh. Bác sĩ Trần Xuân Phương, Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Từ khi Luật PCTHTL có hiệu lực, ngành y tế chưa tiến hành xử phạt trường hợp nào. Việc xử phạt hành vi hút TL của bệnh nhân và người vào thăm nuôi ở các cơ sở y tế rất khó, vì lực lượng thanh tra của ngành mỏng mà việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và người hút không cố định thời gian... Do đó, tuyên truyền, nhắc nhở vẫn được ngành xem là hoạt động chính.
Trong khi chế tài xử phạt quy định chưa rõ ràng, thì thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm TL thế hệ mới nhưng Luật PCTHTL chưa có quy định cụ thể. TL đang được bày bán tràn lan, mọi nơi và bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận, mua được kể cả học sinh nên rất khó quản lý. Công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn nhiều hạn chế do số lượng còn ít, lực lượng kiểm tra còn mỏng... Bên cạnh đó, kinh phí cho công tác PCTHTL chưa được bố trí riêng do ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm. Việc bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác PCTHTL chưa được thường xuyên. Các chế tài xử lý vi phạm Luật PCTHTL chưa đủ sức răn đe. Đối với công tác PCTHTL trong trường học, mặc dù công tác tuyên truyền được triển khai, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm đến con em, chưa chủ động trong công tác phối hợp với nhà trường, phần nào tạo nên khó khăn trong việc giáo dục PCTHTL cho học sinh.
Để tiếp tục triển khai Luật PCTHTL hiệu quả, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, xây dựng kế hoạch hoạt động theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của Luật PCTHTL, đưa nội dung Luật PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hằng năm của đơn vị, lồng ghép thực hiện với phong trào xây dựng văn hóa công sở. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại về TL; tăng cường thêm hình ảnh cảnh báo trên bao bì sản phẩm TL nhằm tác động vào nhận thức và hành vi sử dụng TL của người dân.
Cùng với nỗ lực của các ngành chức năng, mỗi người dân hãy nêu cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, không hút TL tại các địa điểm cấm hút, hãy giảm TL, tiến tới cai nghiện TL; kiên quyết nói không với TL khi chưa từng hút, hãy để môi trường xung quanh không khói TL.
Mỹ Dung