Tăng trưởng xanh, hướng đi mới phát triển bền vững

Triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, đến nay trên địa bàn tỉnh có nhiều lĩnh vực, mô hình TTX đã sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, theo Quyết định số 1393/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố Kế hoạch hành động TTX tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020, đồng thời chỉ đạo các sở ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các nhiệm vụ theo phân công, lồng ghép trong quá trình xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch của tỉnh có liên quan đến TTX như: Đề án chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp; kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CN), kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững... Kết quả, từ năm 2016 đến cuối năm 2022, trên các lĩnh vực đã hình thành các mô hình TTX đem lại hiệu quả, thúc đẩy kinh tế tỉnh tăng trưởng.

Điển hình lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT), tỉnh tập trung thu hút đầu tư các dự án NLTT hướng đến xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT của cả nước. Dự kiến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 58 dự án năng lượng đưa vào vận hành với tổng công suất 3.870,2 MW, tạo ra sản lượng điện trên 7,6 tỷ kWh, chiếm trên 16,5% tổng công suất các nguồn NLTT cả nước. Các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đóng góp quan trọng trong làm giảm phát thải khí nhà kính với tỷ lệ giảm phát thải 97,9% so với sử dụng điện truyền thống (điện than), góp phần thực hiện các mục tiêu ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả sử dụng đất đối với diện tích đất khô cằn, hoang hóa, không phát triển được nông nghiệp, nâng giá trị đất sản xuất hằng năm khi chuyển sang sản xuất điện mặt trời lên khoảng 3,84 tỷ đồng/ha. Đồng thời, tiềm năng và lợi thế về NLTT đã tạo động lực lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế khác, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược, huy động được nhiều nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển, nhiều dự án quy mô lớn đã và đang đầu tư phát huy hiệu quả, tạo động lực mới, sức bật mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam. Ảnh: V.M

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh triển khai thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng cạn, thích ứng với BĐKH, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; ứng dụng khí sinh học trong chăn nuôi; phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp, đến cuối năm 2022 đã phát triển 190,4 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và đã thu hút 31 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động cho sản phẩm giá trị cao. Đối với một số loại cây trồng đặc thù nhất là cây nho đã được quan tâm, đưa CNC vào sản xuất, đến nay, diện tích nho theo tiêu chuẩn VietGAP đã được mở rộng trên 200 ha và cấp 110 giấy chứng nhận VietGAP cho 1.197 hộ dân trồng nho. Công tác phát triển rừng được tập trung triển khai hiệu quả thông qua triển khai dự án trồng rừng do JICA tài trợ, đến cuối năm 2022 độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 47,11%. Kế hoạch sản xuất sạch hơn trong CN được triển khai có hiệu quả, đến nay 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt chuẩn về môi trường; 100% khu CN, cụm CN có hệ thống thu gom và xử lý chất thải đạt yêu cầu; 95% xã đạt chuẩn vệ sinh môi trường theo tiêu chí nông thôn mới...

Trong thu hút đầu tư, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút 26 dự án ODA với tổng vốn 6.299 tỷ đồng, chủ yếu tập trung lĩnh vực thích ứng BĐKH TTX, như: Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang- Tháp Chàm; Dự án quản lý nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với BĐKH tại tỉnh Ninh Thuận; Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán... Hay ở lĩnh vực du lịch (DL), trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 11 khu DL sinh thái với tổng vốn đầu tư 11.767,4 tỷ đồng, như: Dự án Khu DL cao cấp Núi Chúa, Khu DL Mũi Dinh Ecopark... Các dự án ODA, DL đã đưa vào sử dụng và đang triển khai đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần ứng phó với BĐKH, xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Điểm du lịch Hòn Cò, xã Cà Ná (Thuận Nam) thu hút du khach đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: V.Nỷ

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, TTX là lĩnh vực khá mới mẻ, nên nhận thức của một số cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về chiến lược TTX chưa rõ ràng. Vì vậy, để triển khai Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 có hiệu quả, trong thời gian đến ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về vai trò, ý nghĩa của TTX; đẩy mạnh vai trò tham gia của cộng đồng đóng góp vào thực hiện TTX. Xây dựng kế hoạch hành động TTX giai đoạn 2021-2030; tiếp tục lồng ghép các mục tiêu về TTX vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển điện VIII thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/2023/QĐ-TTg. Thay đổi mô hình sản xuất, tiêu dùng và phát triển đô thị hóa theo hướng thân thiện với môi trường. Khuyến khích phát triển các khu CN theo mô hình “kinh tế xanh”, không phát thải; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.