Hiệu quả tổ, đội tàu thuyền đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển

Những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho các địa phương ven biển thành lập các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển nhằm giúp ngư dân tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao sản lượng khai thác, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Huyện Ninh Hải có gần 1.000 phương tiện tàu thuyền đang hoạt động, tổng công suất trên 145.000CV. Để giúp ngư dân khai thác hải sản đạt hiệu quả, địa phương khuyến khích và triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất lớn; cải hoán, nâng cấp, bảo dưỡng tàu thuyền; bổ sung ngư lưới cụ; đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại để vươn khơi đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã Thanh Hải, Vĩnh Hải, Tri Hải, Khánh Hải củng cố và phát triển các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết khai thác trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác, tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển.

Bộ đội biên phòng Ninh Hải luôn đồng hành với ngư dân khai thác hải sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển. Ảnh: Văn Nỷ

Đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện Ninh Hải đã thành lập được 30 tổ, đội tàu thuyền đoàn kết, phát huy hiệu quả trong khai thác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với hơn 26 năm làm nghề biển, ông Nguyễn Toàn ở thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải, thuyền trưởng tàu cá NT-91171-TS có công suất 840CV rất tâm đắc với mô hình tổ, đội tàu thuyền an toàn (TTAT). Là Tổ trưởng Tổ TTAT số 1, ông luôn động viên các thành viên trong tổ bám biển đánh bắt hải sản. Ông Toàn chia sẻ: Từ ngày thành lập Tổ TTAT đến nay, ngoài việc tích cực vươn khơi bám biển, đem lại thu nhập cho các gia đình, các thành viên trong tổ không ngừng tìm hiểu pháp luật cũng như những quy định trong việc đánh bắt, khai thác hải sản trên biển. Tổ TTAT của chúng tôi thường tổ chức khai thác hải sản ở vùng biển khơi, nhiều chuyến biển vươn đến vùng biển Trường Sa và giáp ranh vùng biển nước ngoài. Tất cả các tàu đều gắn thiết bị định vị GPS nhằm tránh vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài. Mỗi lần vào bờ, chúng tôi đều được cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng xuống tận tàu kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, nhắc nhở các tàu không được khai thác hải sản bất hợp pháp, qua đó đã giúp các chủ tàu chấp hành tốt pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trong quá trình đánh bắt, khai thác hải sản.

Thiếu tá Đỗ Văn Lợi, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Hải, cho biết: Hiện nay trên địa bàn 2 xã Thanh Hải và Tri Hải có 12 tổ TTAT, để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, thời gian qua, đơn vị tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tham gia quản lý, kiểm soát chặt chẽ các vùng biển có tàu thuyền hoạt động nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Hằng tháng, đơn vị tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tuần tra trên biển và cử cán bộ tham gia sinh hoạt với các tổ trưởng, tổ phó và thuyền trưởng của các tổ tàu thuyền đoàn kết để vận động ngư dân tham gia vào tổ TTAT để tiếp cận các thông tin về tình hình trên biển cũng như trên đất liền kịp thời, nhằm giúp bà con an tâm bám biển.

Ngư dân Nguyễn Toàn ở xã Thanh Hải (Ninh Hải) cùng các thành viên chuẩn bị ngư cụ vươn khơi.

Cũng như Ninh Hải, thời gian qua, huyện Thuận Nam khuyến khích và triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất lớn, cải hoán, nâng cấp, bảo dưỡng tàu thuyền, trang bị phương tiện hiện đại để vươn khơi bám biển khai thác hải sản xa bờ. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân có tàu thuyền hoạt động trên biển tham gia vào tổ TTAT. Toàn huyện có trên 910 tàu thuyền đang hoạt động, với tổng công suất trên 246.000CV, trong đó 432 chiếc dài từ 15m trở lên khai thác vùng khơi. Nhờ năng lực tàu thuyền ngày càng phát triển, nên sản lượng khai bắt hải sản của huyện hằng năm tăng khá, qua đó giúp kinh tế của những hộ làm nghề biển ngày càng phát triển đi lên.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thuận Nam đã có trên 50 tổ, đội tàu thuyền đoàn kết được thành lập, trong đó xã Cà Ná và Phước Diêm có nhiều tàu thuyền công suất lớn đã thành lập trên 45 tổ tàu thuyền đoàn kết với trên 150 phương tiện tham gia. Đồng chí Nguyễn Duy Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Ná, cho biết: Toàn xã có 317 tàu cá với tổng công suất khoảng 80.000CV, 46 cơ sở chế biến nước mắm, 20 cơ sở chế biến cá hấp. Nghề biển là nghề chính của người dân ở địa phương. Hiện toàn xã thành lập được 37 tổ, đội đoàn kết và 1 nghiệp đoàn nghề cá hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động trên biển, góp phần vào nâng cao hiệu quả khai thác, tăng thu nhập cho ngư dân. Đồng thời, tham gia cùng lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thời gian tới, xã tiếp tục tham mưu cho huyện thành lập thêm các tổ TTAT để giúp bà con đánh bắt hiệu quả.

Toàn tỉnh hiện có 2.308 tàu cá từ 6m trở lên, trong đó có 862 tàu có chiều dài từ 15m trở lên đủ điều kiện tham gia khai thác xa bờ trên khắp ngư trường cả nước. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, toàn tỉnh còn thành lập 170 tổ đoàn kết/1.018 tàu hoạt động trên các vùng biển xa, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa. Cùng với đó, các hoạt động như tuyên truyền pháp luật, tặng áo phao, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân... thường xuyên được triển khai, nhằm động viên ngư dân vững tin bám biển.