Bác Ái: Hiệu quả phong trào “Mỗi xã, phường, thị trấn một mô hình sinh kế”

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Bác Ái đã có nhiều cách làm hay trong việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn gắn với những địa chỉ, mô hình sinh kế cụ thể thông qua phong trào “Mỗi xã, phường, thị trấn một mô hình sinh kế”, nhờ đó đã giúp nhiều gia đình có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Những buổi ra quân thực hiện các mô hình sinh kế trong thời gian qua đã và đang được chính quyền các địa phương triển khai, được người dân tích cực hưởng ứng nhiệt tình. Hoạt động trao tặng 4.000 con gà giống và 1,5 tấn thức ăn chăn nuôi cho 20 hộ thanh niên (TN) định cư tại Làng TN lập nghiệp Phước Đại và 30 hộ TN, người dân có hoàn cảnh khó khăn xã Phước Hòa được Hội Liên hiệp TN Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP tài trợ vào trung tuần tháng 8/2024 đã giúp nhiều gia đình có thêm sinh kế để phát triển kinh tế. Anh Pi Năng Thỏa ở thôn Châu Đắc, chia sẻ: Vừa rồi gia đình tôi được hỗ trợ 100 con gà giống và thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế nên gia đình rất vui mừng. Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc để đàn gà phát triển ổn định, sau khi xuất chuồng gia đình sẽ tiếp tục tái đàn để duy trì chăn nuôi nhằm tăng thu nhập cho gia đình.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà cho gia đình anh Pi Năng Thỏa ở thôn Châu Đắc, xã Phước Đại.

Xã Phước Chính là địa phương thuần nông, cuộc sống của người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, hệ thống kênh mương thủy lợi được bao phủ trên 70% diện tích nông nghiệp, thuận tiện cho việc sản xuất. Tuy nhiên do tập quán sản xuất theo truyền thống nên nhiều hộ dân trước đây thường đi hái rau rừng để ăn hoặc mua rau từ các nơi khác để phục vụ cho nhu cầu bữa ăn hằng ngày. Nhằm giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện bữa ăn hằng ngày, tháng 3/2023 chính quyền xã Phước Chính đã phát động mô hình “Mỗi gia đình một mảnh vườn”. Từ ngày phát động, đến nay trên địa bàn xã đã có trên 60 hộ dân tham gia, qua đó giúp bà con hình thành thói quen trồng rau sạch để cải thiện bữa ăn, vừa tăng thêm thu nhập để nâng cao chất lượng sống. Chị Chamaléa Thị Nguyệt, ở thôn Suối Rớ, cho biết: Từ khi xã phát động mô hình, được địa phương hỗ trợ giống rau, hướng dẫn kỹ thuật trồng, gia đình đã quyết định dọn gần 700m2 đất bỏ trống sau nhà để trồng các loại rau như: Dền đỏ, cải xanh, quế. Từ lúc trồng rau xanh đến giờ, mình thấy nhà mình xanh, đẹp hơn. Không gian sống trở nên thoáng mát hơn, gia đình cũng có thêm nguồn rau sạch để ăn, số nhiều mình đem ra chợ bán để kiếm thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Cũng tại xã Phước Chính, nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ có việc làm, phát triển kinh tế gia đình vươn lên ổn định cuộc sống. Tháng 10/2023, dự án giảm nghèo hỗ trợ chăn nuôi cừu sinh sản theo chuỗi giá trị được triển khai, qua đó giúp 32 hội viên phụ nữ Raglai thuộc diện nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được nhận hỗ trợ chăn nuôi cừu sinh sản theo chuỗi giá trị, mỗi hộ nhận được 14 con cừu cái sinh sản và 1 con cừu đực giống với tổng kinh phí hơn 1,91 tỷ đồng. Đây là dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ chị em phụ nữ có việc làm, phát triển kinh tế gia đình vươn lên ổn định cuộc sống. Chị Chamaléa Thị Ngọc ở thôn Núi Rây là một trong số 32 hội viên được nhận hỗ trợ từ dự án phấn khởi, chia sẻ: Cuộc sống của gia đình tôi trước đây khó khăn do thiếu vốn để phát triển kinh tế gia đình, tháng 10/2023 gia đình được nhận hỗ trợ chăn nuôi cừu sinh sản theo chuỗi giá trị với 15 con cừu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để phát triển kinh tế, nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay đàn cừu đã phát triển lên 28 con.

Thực hiện Đề án 406 ngày 8/4/2016 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về hỗ trợ đồng bào Bác Ái góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ 500 con bò cái sinh sản cho 250 hộ nghèo xã Phước Đại, Phước Chính, Phước Bình, Phước Tân có thêm sinh kế để phát triển kinh tế. Nhờ chăm sóc kỹ nên đến nay tổng đàn bò đã nâng lên hơn 1.130 con, giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Theo khảo sát, đến cuối năm 2023, có 84/250 hộ nhận nuôi bò Đề án 406 đã thoát nghèo, đạt 33.6%.

Thay đổi cách tiếp cận để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn gắn với những địa chỉ, mô hình sinh kế cụ thể là cách làm mang lại hiệu quả mà nhiều địa phương trên địa bàn huyện Bác Ái đã và đang thực hiện nhằm giúp các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Văn Bền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái cho biết: Thời gian qua, phong trào “Mỗi xã, phường, thị trấn một mô hình sinh kế” đã và đang nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Bác Ái nói riêng và cả tỉnh nói chung. Không chỉ là điểm tựa để người nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo mà việc triển khai các mô hình sinh kế còn giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo trong cả tư duy, nhận thức khi đã mạnh dạn vươn lên mục tiêu cao hơn, qua đó góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm dần qua từng năm.