Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024 với phương châm hành động: “Đoàn kết kỷ cương, linh hoạt sáng tạo, tăng tốc hiệu quả”, huyện Thuận Bắc chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các nhóm giải pháp quan trọng, đột phá. Trọng tâm là tập trung huy động tốt nhất mọi nguồn lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện, phát huy vai trò người đứng đầu, nâng cao hiệu lực trong lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ các dự án đang triển khai; tổ chức sản xuất gắn với ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhờ đó đến nay, một số ngành trọng điểm vẫn giữ được mức ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ, tạo bước chuyển biến rõ nét trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng, theo đánh giá trong 8 tháng ước đạt trên 5.168 tỷ đồng, tăng 13%; giá trị xuất khẩu ước đạt 14 triệu USD, tăng gấp 2,8 lần so cùng kỳ năm trước. Đạt kết quả trên, huyện tăng cường chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, điều chỉnh phương án quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định để làm cơ sở kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án. Mặt khác, đối với những dự án, công trình đang triển khai trên địa bàn như: Dự án đường D2 nối dài đến Khu công nghiệp Du Long, dự án cải tạo nâng cấp tiết diện đường dây 110kV Đa Nhim - Trạm 220kV Tháp Chàm; dự án hệ thống chuyển nước Tân Mỹ - hồ Bà Râu - hồ Sông Trâu; công trình đầu tư hoàn chỉnh kênh đường ống cấp II, cấp III thuộc hệ thống thủy lợi Sông Cái - Tân Mỹ... đã được các cơ quan, đơn vị phối hợp với nhà đầu tư đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục cần thiết và thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng tiến độ. Đặc biệt, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục được duy trì ổn định, thúc đẩy một số ngành hàng công nghiệp chủ lực của huyện như các sản phẩm từ may mặc, rau câu, chế biến rong sụn, vật liệu xây dựng có sự tăng mạnh.
Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, giúp nông dân huyện Thuận Bắc nâng cao thu nhập.
Đối với sản xuất nông nghiệp, do ảnh hưởng của hạn cục bộ nên diện tích gieo trồng có giảm so với cùng kỳ, chỉ đạt 65% kế hoạch, nhưng bù lại năng suất và giá bán được duy trì ở mức cao, tạo sự phấn khởi cho người dân. Hiện nay, lúa vụ hè - thu trên địa bàn đang trong giai đoạn chính thu hoạch, năng suất bình quân đạt khá 63,5 tạ/ha, giá lúa ổn định khoảng 7.000 đồng/kg, nên hầu hết nông dân sản xuất đều có lãi. Đáng ghi nhận, công tác chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đạt nhiều kết quả với 111,3ha cây trồng chuyển đổi, đạt 80,6% kế hoạch. Hoạt động hỗ trợ, liên kết sản xuất được quan tâm, chú trọng, giúp nông dân duy trì và nhân rộng các mô hình có hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định như: Mô hình trồng hành lá tại xã Bắc Sơn, quy mô 20ha; trồng điều hữu cơ 550ha tại xã Công Hải, Lợi Hải; sản xuất lúa giống 73ha tại xã Công Hải; mô hình nuôi heo đen, dê, cừu sinh sản tại các xã miền núi.
Hoạt động dịch vụ - thương mại trên địa bàn từ đầu năm đến nay cũng khá sôi động, nhiều giải pháp được triển khai nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông suốt, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.139 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện cũng có chuyển biến nhất định. Từ nguồn vốn phân bổ của cấp trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động rà soát, đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện hỗ trợ dự án phát triển sản xuất cộng đồng đảm bảo đầy đủ, kịp thời.
Theo đồng chí Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cấp trên, tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp góp phần đạt những kết quả nổi bật. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như nguồn lực đầu tư còn hạn chế, một số vùng phải dừng sản xuất do thiếu nước tưới; công tác giải ngân vốn đầu tư, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc còn chậm; công tác số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước chưa thông suốt.
Với quyết tâm hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, huyện đề ra các giải pháp với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững. Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết và tổ chức phương án gieo trồng vụ mùa phù hợp, thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa theo hướng bền vững và lâu dài; chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh gia súc, gia cầm. Cùng với đó, đẩy mạnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án để tăng năng lực sản xuất mới đóng góp cho tăng trưởng...
Đăng Khôi