Ninh Phước là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện mô hình chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm. Qua rà soát, tổng diện tích dừng sản xuất vụ mùa trên địa bàn huyện đến cuối năm 2023 đạt 1.578ha. Với việc dừng sản xuất một vụ đã khắc phục hiệu quả các yếu tố bất lợi của thời tiết, hạn chế đáng kể sâu bệnh, cỏ dại và giảm được chi phí đầu tư. Anh Dương Văn Tiễn, thôn Phú Nhuận, xã Phước Thuận, chia sẻ: Nhà tôi có 6 sào lúa, mấy năm trước đều trồng 3 vụ/năm, trong đó, vụ đông - xuân và hè- thu năng suất lúa đều đạt từ 7 tạ trở lên, riêng vụ mùa chỉ đạt khoảng 5 tạ/sào; đặc biệt, vụ mùa thường rơi vào thời điểm mùa mưa bão nên dễ xảy ra tình trạng ngập lụt, dẫn đến thất thu. Từ khi địa phương có chủ trương dừng vụ mùa, hầu hết nông dân đều đồng thuận cao.
Đồng chí Đàng Năng Tom, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Để mô hình chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm đạt chỉ tiêu đề ra, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện chủ động rà soát trên từng xứ đồng và xây dựng kế hoạch dừng sản xuất một vụ lúa trong năm, chủ yếu tại khu vực trũng thấp thường xuyên bị ngập úng, vùng cuối kênh. Đồng thời, gắn với giao chỉ tiêu và phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, các địa phương để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đảm bảo theo lộ trình cụ thể. Theo kế hoạch từ năm 2024-2025, huyện tạm dừng canh tác lúa vụ mùa, với diện tích 1.659ha tại một số khu vực thuộc các xã An Hải, Phước Hải, Phước Thuận và thị trấn Phước Dân, riêng các xã còn lại vẫn duy trì sản xuất lúa 3 vụ/năm.
Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa vụ hè - thu năm 2024.
Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, ngành nông nghiệp tập trung phối hợp với các địa phương, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và các cơ quan, đơn vị có liên quan tích cực trong công tác chỉ đạo sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành chủ trương chuyển đổi. Nhờ đó, diện tích chuyển đổi từ 3 vụ sang 2 vụ lúa toàn tỉnh giảm dần qua các năm, đến cuối năm 2023 đạt 3.313ha, tổng diện tích thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa dừng sản xuất 127ha, đạt 93%. Các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng được chú trọng phát triển; năng suất lúa tăng từ 4-12%, tiết kiệm được chi phí sản xuất từ 3-11% so với 3 vụ lúa/năm. Đặc biệt, sản xuất 2 vụ lúa/năm, giúp kéo dài thời gian đất nghỉ, tái tạo dinh dưỡng, phục hồi độ phì nhiêu sau chu kỳ sản xuất liên tục.
Thông qua mô hình chuyển đổi 3 vụ sang 2 vụ lúa/năm đã hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất lúa theo hướng hiện đại, đem lại năng suất, chất lượng cao, thân thiện với môi trường, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình nhân rộng mô hình chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do chưa tạo được sự tăng trưởng lớn về giá trị, hiệu quả kinh tế, giá lúa tăng cao trong thời gian gần đây và thị trường tiêu thụ rộng nên người dân chưa mặn mà với việc chuyển đổi. Cùng với đó, việc thí điểm mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ màu ở khu vực dừng sản xuất khó triển khai thực hiện do trùng với thời điểm mùa mưa bão, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng còn hạn chế...
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Với mục tiêu phấn đấu đến 2025, diện tích chuyển đổi 3 vụ sang 2 vụ lúa/năm toàn tỉnh đạt 6.285ha, để đảm bảo an ninh lương thực; đồng thời tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất từ 4-5%, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới được ngành đặt ra, đó là tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ dân tạm dừng sản xuất lúa vụ mùa ở vùng trũng thấp để hạn chế thiệt hại do mưa lũ, ngập úng gây ra; xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý theo khung mùa vụ, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sử dụng đại trà các giống mới, ngắn ngày, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất chất lượng cao.
Song song đó, tập trung nghiên cứu, lựa chọn giống cây trồng phù hợp đưa vào canh tác tại khu vực dừng sản xuất; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ, cơ chế chính sách đặc thù đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị... Đảm bảo kế hoạch nhân rộng mô hình chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo lộ trình đề ra.
Hồng Lâm