Vụ mùa năm nay, căn cứ vào tình hình thực tế và mực nước tại các hồ đập trên địa bàn, huyện Ninh Phước dự kiến xuống giống 7.158,9ha. Trong đó, diện tích lúa 3.737ha, cây bắp 759ha, rau màu các loại 1.314ha, cỏ chăn nuôi 432ha, cây nho, táo 872ha. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình cánh đồng sản xuất lúa, măng tây xanh với 13 cánh đồng. Đồng chí Huỳnh Tuấn Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: Để đảm bảo đúng tiến độ sản xuất vụ mùa, ngay sau khi nông dân thu hoạch xong vụ hè - thu, huyện chỉ đạo các địa phương triển khai lịch sản xuất vụ mùa cho nông dân; hướng dẫn nông dân tập trung cày ải, làm đất và gieo trồng đúng khung lịch thời vụ để đồng loạt xuống giống gieo trồng, chăm sóc. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng các giống lúa xác nhận, có khả năng chống được sâu bệnh; vận động người dân áp dụng mô hình sản xuất hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng. Chỉ đạo các địa phương rà soát, hướng dẫn nông dân ở những vùng trũng, vùng cuối kênh thường xuyên bị ngập khi xuất hiện lũ hoặc những vùng thu hoạch vụ hè thu muộn không kịp xuống giống vụ mùa chuyển sang gieo trồng vụ đông - xuân sớm. Thời gian gieo sạ từ ngày 10/9 đến 5/10. Riêng các vùng sản xuất sử dụng nguồn nước từ hệ thống tưới hồ Tân Giang, Bầu Zôn và hồ Lanh Ra thời gian gieo trồng vụ mùa từ ngày 10/9 đến 25/9.
Nông dân huyện Ninh Phước khẩn trương làm đất xuống giống vụ mùa 2024.
Để sản xuất vụ mùa có hiệu quả, ngành nông nghiệp huyện cũng đã hướng dẫn về cơ cấu giống, khuyến cáo bà con lựa chọn các giống lúa xác nhận, giống ngắn ngày, có khả năng chống được sâu bệnh, phù hợp với từng vùng, từng loại đất. Đồng thời, vận động nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa; hướng dẫn nông dân sử dụng phân cân đối, hợp lý và hiệu quả; áp dụng tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh; quản lý nước trong ruộng theo từng giai đoạn sinh trưởng. Đối với những diện tích canh tác không chủ động nước tưới, đất trồng lúa kém hiệu quả, huyện vận động nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn, sử dụng ít nước với diện tích 17,6ha.
Theo dự báo của địa phương, vụ mùa năm nay thời tiết có khả năng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Để giảm thiệt hại cho nông dân, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với Trạm Thủy nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu hại trên các loại cây trồng ngay từ đầu mùa vụ; thực hiện tốt khâu dự báo phòng ngừa sâu bệnh trên cây trồng để có hướng xử lý, bảo vệ hiệu quả. Trạm Thủy nông huyện phối hợp với các địa phương thường xuyên nạo vét kênh mương nội đồng, xây dựng phương án điều tiết nước hợp lý cho từng vùng, từng xứ đồng, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất đạt hiệu quả.
Những ngày này trên các cánh đồng của các xã: Phước Hậu, Phước Thái, Phước Hữu... nông dân đang khẩn trương làm đất để xuống giống đồng loạt vụ mùa. Chị Sử Thi Hương, thôn Hoài Ni, xã Phước Thái cho biết: Vụ hè - thu vừa qua, nhờ xuống giống đúng khung lịch thời vụ và áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm”, nên 3,5 sào lúa của gia đình cho năng suất đạt trên 7 tạ/sào. Với giá bán lúa tươi 7.600 đồng/kg, lúa khô 8.600 đồng/kg, gia đình có lãi gần 4 triệu đồng/sào. Sang vụ mùa này, khi xã triển khai kế hoạch sản xuất, gia đình đã tập trung làm đất để kịp xuống giống, mong sản xuất vụ mùa tiếp tục đạt kết quả cao.
Tiến Mạnh