Trên địa bàn tỉnh hiện có 124 HTX với trên 19.000 thành viên và người lao động, trong đó có 97 HTX lĩnh vực nông, ngư, diêm nghiệp, chiếm 78,2%; 8 HTX tiểu thủ công nghiệp; 8 HTX giao thông vận tải; 3 Quỹ tín dụng nhân dân và lĩnh vực dịch vụ khác có 8 HTX. Những năm gần đây, hoạt động của các HTX có chuyển biến tích cực, các HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, cung ứng những dịch vụ thiết yếu cho khoảng 80% thành viên về thủy nông, vật tư, làm đất, giống, khuyến nông, thu hoạch, chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất và thu mua sản phẩm của thành viên theo hợp đồng. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi hữu cơ thân thiện với môi trường gắn với chuỗi giá trị được triển khai. Các HTX cũng đã chú trọng cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu chung của thành viên trong hợp tác, tương trợ lẫn nhau để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất, tạo công ăn việc làm cho lao động và tác động tích cực đến thu nhập hộ thành viên.
Sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) được nhiều du khách lựa chọn. Ảnh: Anh Thi
Ông Lê Hoài Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào ổn định và có bước phát triển mới. Trên hành trình đó, xuất hiện thêm nhiều HTX kiểu mới, liên kết hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò, vị trí nòng cốt trong phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, HTX tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cùng các doanh nghiệp, các HTX đã hỗ trợ địa phương sản xuất đúng mùa vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
HTX Công nghệ cao Nam Miền Trung, xã Phước Tiến (Bác Ái) được biết đến là đơn vị thành công trong mô hình sản xuất dưa lưới, dưa hấu và các loại nông sản theo quy trình công nghệ cao, HTX áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà kính với diện tích trên 5ha. Hằng năm, HTX Nam miền Trung sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng trên 100 tấn dưa lưới, doanh thu đạt từ 4-4,5 tỷ đồng, lãi từ 250-300 triệu/năm. Ngoài ra HTX còn hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho HTX Tân Lập 2, Công ty Tương Lai Xanh, tạo việc làm thường xuyên cho từ 12-15 lao động, thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng/người/tháng. Việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới của HTX Nam Miền Trung đã mở ra những cơ hội mới trong hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng các quy trình chuỗi sản xuất và góp phần nâng tầm giá trị nông sản trên địa bàn huyện Bác Ái.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp- Thu mua Nông sản Thanh Hải, xã Thanh Hải (Ninh Hải) phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hành, tỏi. Hiện HTX sản xuất cây hành tím theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 20,22ha/103 hộ, ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng logo thương hiệu, nhãn mác bao bì và hỗ trợ tập huấn cho thành viên, nông dân canh tác hành, tỏi theo quy trình VietGAP. Bình quân doanh thu của HTX tăng từ 20-30%/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động. Việc thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp- Thu mua Nông sản Thanh Hải chính là “bà đỡ” cho thành viên và nông dân trong vùng, hoạt động của HTX đã tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nhỏ liên kết sản xuất và giữ vững sự ổn định trong việc tiêu thụ sản phẩm góp phần tăng thu nhập phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình HTX kiểu mới mang lại hiệu quả kinh tế, như: HTX Sản xuất dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Mỹ Sơn (Ninh Sơn) phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực táo sạch và bắp lai F1; HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An (Ninh Hải) sản xuất nho và nhiều sản phẩm chế biến từ nho gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; mô hình HTX Dịch vụ tổng hơp nông nghiệp Tuấn Tú (Ninh Phước) gắn với chuỗi giá trị măng tây xanh...
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) liên kết trồng măng tây xanh theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.M
Việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh đã hình thành và mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, hầu hết các HTX đã chủ động đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất và từng bước liên kết giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con. Tuy nhiên, vẫn còn một số HTX nông nghiệp hoạt động còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu gắn kết, chất lượng nguồn nhân lực không cao, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, lợi ích mang lại cho các thành viên chưa rõ ràng, mức đóng góp cho kinh tế - xã hội địa phương chưa đáng kể... Thực tế này đặt ra nhiều thách thức cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế tập thể nói chung cũng như nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp nói riêng của tỉnh.
Để khu vực kinh tế tập thể phát triển trong thời gian tới, theo ông Lê Hoài Nam, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận với nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật, các chương trình xúc tiến thương mại và cơ hội để liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị có uy tín... góp phần nâng cao hiệu quả các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên. Từ đó, phát huy hiệu quả, ưu việt của mô hình HTX kiểu mới, nâng cao sức mạnh cho khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh.
Hồng Nguyệt