Niềm vui từ dự án môi trường bền vững Tp. Phan Rang - Tháp Chàm

Mặc dù quá trình triển khai, thực hiện gặp nhiều khó khăn, nhưng Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã về đích đúng tiến độ, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng đô thị và cuộc sống của người dân.

Những ngày này, đi dọc kênh Ông Cố chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân khi dự án mới vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuyến kênh được đầu tư xây dựng kiên cố, hai bên bờ kênh hai bên kênh được mở rộng, bê tông, có đèn chiếu sáng đảm bảo xe lưu thông an toàn, thuận lợi. Ông Nguyễn Duy Tân, khu phố 7, phường Bảo An, phấn khởi cho biết: Kênh Ông Cố trải qua thời gian sử dụng bị bồi lắng, xuống cấp, thoát nước kém hiệu quả và bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người dân. Khi công trình hoàn thành đã giúp cải thiện môi trường, cảnh quan, nâng cao chất lượng đời sống cho cư dân trong khu vực. Suốt nhiều năm sống bên kênh Ông Cố, gia đình tôi chưa bao giờ hình dung con kênh trước nhà có ngày lại mang dáng vẻ hiện đại, thông thoáng được như thế này.

Người dân phường Mỹ Bình cũng rất phấn khởi khi công trình kiên cố hóa kênh Chà Là và hồ điều hòa trung tâm được đầu tư xây dựng. Khi đưa vào sử dụng đã cơ bản giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ vào mùa mưa cho hàng trăm hộ dân ở khu phố 1 và khu phố 2. Trong giai đoạn 2, khi hồ điều hòa được xây dựng, kết nối với kênh Chà Là và đấu nối với hệ thống thoát nước khu dân cư, đã giải quyết căn cơ tình trạng ngập lụt cho cả khu phố 4 và phu phố 5 là những khu vực đông dân cư tại địa phương, đồng thời góp phần kết nối giao thông trong thành phố và tạo mỹ quan đô thị. Ông Phan Đăng Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Bình, vui mừng: Trước đây khu vực này là khu vực trũng thấp rất dễ bị ngập úng cục bộ với tỷ lệ cư dân bị ảnh hưởng rất lớn nhưng từ khi dự án môi trường bền vững hoàn thành đã không còn tình trạng ngập úng; mang lại diện mạo sạch, đẹp cho đô thị.

Hồ điều hòa trung tâm kết nối với kênh Chà Là và hệ thống thoát nước khu dân cư, giải quyết
tình trạng ngập úng tại phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Anh Tuấn

Không chỉ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, các công trình thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm cũng được dự án môi trường bền vững đầu tư đồng bộ. Tại khu vực hồ nuôi tôm, sau người dân bỏ hoang, hồ Đông Hải trở thành vùng trũng chứa nước mưa, nước thải tù đọng đầy rác, gây ô nhiễm. Sau khi được đầu tư trên 42,8 tỷ đồng để nạo vét, xây kè, làm đường quản lý, công viên cây xanh, hệ thống đèn chiếu sáng, hồ Đông Hải trở thành hồ điều hòa, không gian công cộng lý tưởng cho người dân địa phương đến vui chơi, tập thể dục vừa điều tiết chống ngập úng cho cả vùng. Cùng với hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, công trình Nhà máy xử lý nước thải Phan Rang cũng được đầu tư nâng công suất xử lý từ 5.000m3 lên 7.500m3/ngày, đêm với quy trình xử lý nước thải sinh học theo tiêu chuẩn quốc gia, nhằm xử lý hiệu quả toàn bộ nước thải của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.

Dự án môi trường bền vững Tp. Phan Rang - Tháp Chàm bắt đầu triển khai từ cuối năm 2017, với tổng vốn 97,9 triệu USD (tương đương 2.253 tỷ đồng), trong đó vốn ODA 69,5 triệu USD và vốn đối ứng 28,4 triệu USD. Dự án được chia thành 2 giai đoạn triển khai (giai đoạn 30% và giai đoạn 70%) với 4 hợp phần: Hạ tầng vệ sinh, kết nối đô thị, tái định cư - giải phóng mặt bằng và hỗ trợ kỹ thuật - cải cách thể chế. Dự án có tổng diện tích đất bị thu hồi vĩnh viễn 351.466,3m2 với hơn 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Chậm được phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, chịu tác động của đại dịch COVID-19 và nhất là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ thực hiện dự án để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, UBND tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là huy động sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các xã, phường của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.

Kênh Chà Là được bê tông và lắp đặt hệ thống chiếu sáng, cây xanh tạo cảnh quan thoáng mát.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh cho biết: Bên cạnh khó khăn về giải phóng mặt bằng, thời gian thực hiện dự án mặc dù đã được gia hạn 18 tháng nhưng còn lại rất ngắn cũng là một thách thức đối với chủ đầu tư và các nhà thầu. Để kịp hoàn thành dự án trước mốc cam kết ngày 30/6/2024, các nhà thầu đã tổ chức thi công đêm, làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ, đồng thời linh hoạt trong tổ chức thi công phù hợp với địa hình để đưa công trình về đích đúng tiến độ. Trong đó, nhiều hạng mục công trình như: Nhà vệ sinh công cộng và trường học; kênh Chà Là - kênh TH5 - kênh Nhị Phước; kênh Đông Nam; kênh Ông Cố; khu tái định cư Phan Đăng Lưu, Hẻm 150 đường 21 Tháng 8; đường Huỳnh Thúc Kháng;... đã được bàn giao đưa vào sử dụng và bước đầu phát huy hiệu quả giúp nâng cao chất lượng sống của người dân vùng dự án.

Với việc dự án môi trường bền vững Tp. Phan Rang - Tháp Chàm hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần xây dựng trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh trở nên xanh, sạch, đẹp, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thích ứng tốt với tình trạng biến đổi khí hậu.