Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (Nghị quyết số 50-NQ/TW), Tỉnh ủy Ninh Thuận đã xây dựng Kế hoạch số 204/-KH/TU ngày 8/11/2019 và cụ thể hóa để triển khai thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW, nhằm từng bước làm tốt hơn nữa công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Ấn tượng những con số

Tỉnh xác định công tác hợp tác, thu hút đầu tư đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tạo sức bật để nền kinh tế của tỉnh đi lên, thời gian qua tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết số 50-NQ/TW và các chủ trương, chính sách liên quan làm cơ sở cho thu hút đầu tư FDI được triển khai kịp thời, hiệu quả; công tác hoàn thiện cơ chế chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư, đổi mới công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư để huy động các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài theo hướng thực chất, có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; thành lập website Cổng thông tin quy hoạch và xúc tiến đầu tư; trong đó công bố công khai, minh bạch toàn bộ các thông tin về quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất... giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin về đầu tư.

Dự án điện gió Hanbaram của Công ty Cổ phần điện gió Hanbaram (Hàn Quốc). Ảnh: Xuân Bính

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thu hút mới 9 dự án đầu tư FDI, nâng tổng số đến nay lên 42 dự án FDI (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký 1,143 tỷ USD đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ; ngoài ra, có 3 dự án đã chấp thuận địa điểm với tổng vốn 174 triệu USD. Trong tổng số 42 dự án FDI, đã có 34 dự án đi vào hoạt động với tổng số vốn thực hiện trên 850 triệu USD, 8 dự án đang triển khai. Các dự án FDI của tỉnh 100% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN), trong đó tỉnh đã thu hút thành công được nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham gia đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế như: Năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đặc biệt, trong giai đoạn 2019-2024 các dự án đã thực hiện và giải ngân 10.752 tỷ đồng vốn FDI, bằng 43% số vốn đăng ký (25.000 tỷ đồng) và chiếm 8,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ năm 2019 đến tháng 6/2024.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Ninh Thuận, việc quản lý, khai thác, huy động, sử dụng các nguồn lực ĐTNN đạt được kết quả nhất định, góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, GRDP bình quân giai đoạn 2019-2023 tăng 10,28%/năm; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2023 gấp 2,05 lần so năm 2018; GRDP bình quân đầu người đạt 88,2 triệu đồng/người, tăng gấp 2.02 lần so năm 2018, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và bằng 86,6% bình quân cả nước. Số lao động trong khu vực ĐTNN từ năm 2019 là 2.020 lao động, đến nay là 4.240 lao động; tốc độ tăng lao động mới trong khu vực ĐTNN là 110%. Tỷ trọng vốn ĐTNN đóng góp khoảng 4,6% vào GRDP của tỉnh; thu ngân sách nhà nước tăng, trong đó thu doanh nghiệp có vốn ĐTNN giai đoạn 2019-6/2024 là 2.021 tỷ đồng/23.255 tỷ đồng, chiếm 8,7 tổng thu ngân sách nhà nước của địa phương.

Đẩy mạnh thu hút FDI

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN, trong thời gian tới tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở để xây dựng định hướng thu hút, kêu gọi các dự án FDI phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh. Hoàn thiện tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo hướng kiểm soát chặt chẽ các điều kiện về năng lực tài chính, công nghệ, suất đầu tư, tiến độ thực hiện dự án; thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư, nhất là tuân thủ các quy định về tài chính, kế toán, kiểm toán, định giá tài sản góp vốn, chuyển giao công nghệ, trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong suốt quá trình thực hiện dự án đầu theo quy định của pháp luật.

Cơ sở hạ tầng khu du lịch biển Bình Sơn - Ninh Chữ. Ảnh: Văn Nỷ

Cùng với đó, tỉnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Thực hiện tốt Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2021-2025; thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư phù hợp với nhu cầu đầu tư và quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực, sản phẩm. Tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường kết nối hợp tác xúc tiến thu hút đầu tư với các cơ quan ngoại giao của các nước thành viên EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Ấn Độ. Đa dạng các kênh quảng bá thông tin về thu hút đầu tư; phối hợp với các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan Việt Nam tại nước ngoài và các nhà ĐTNN đang đầu tư trên địa bàn tỉnh để quảng bá tiềm năng đầu tư, thu thập nhu cầu đầu tư làm cơ sở định hướng đối tác và thu hút đầu tư. Đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến đầu tư trực tiếp vào các khu, cụm công nghiệp; xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, tiềm năng, thị trường, đối tác, kinh nghiệm,... trong quá trình xây dựng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, giới thiệu và quảng bá hình ảnh quê hương, con người Ninh Thuận đến bạn bè quốc tế. Tập trung cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy trình một cửa liên thông để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ĐTNN; thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh trong quá trình xem xét thủ tục đầu tư, nhất là lĩnh vực đầu tư có điều kiện; đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà ĐTNN trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các khu vực ven biển. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án ĐTNN trên địa bàn tỉnh, nhất là giám sát về tiến độ thực hiện dự án, tiến độ góp vốn, chống chuyển giá. Kiên quyết xử lý thu hồi các dự án vi phạm tiến độ theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai.