Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo đà phát triển nhanh và bền vững

Nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển, Ninh Thuận đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút, ưu đãi cho các nhà đầu tư vào tỉnh theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất.

Ninh Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí thuận lợi là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Là địa phương có nhiều điều kiện lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), công nghiệp sản xuất muối và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù như nho, táo, tỏi, thịt gia súc (bò, dê, cừu) có năng suất, chất lượng cao, sản xuất được quanh năm, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Nằm trong vùng du lịch (DL) trọng điểm của cả nước, có bờ biển dài 105 km với nhiều bãi tắm sạch đẹp, thời tiết nắng ấm quanh năm nên Ninh Thuận có tiềm năng lớn trong phát triển DL biển.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 431 dự án đầu tư của các thành phần kinh tế được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đang còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 191.850,9 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có 307 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, chiếm 71,23%; có 52 dự án đang triển khai thi công, chiếm 12,06% và 72 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư, chiếm 16,71%. Trong đó, lĩnh vực NLTT có 54 dự án, DL có 58 dự án, nông nghiệp có 62 dự án, công nghiệp, xây dựng có 101 dự án, khoáng sản có 55 dự án, thương mại dịch vụ có 72 dự án và lĩnh vực xã hội hóa có 29 dự án.

Công ty TNHH Innoflow (Hàn Quốc) thi công nhà xưởng tại Khu công nghiệp Du Long (Thuận Bắc).

Theo quy hoạch, Ninh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tể nhanh và bền vững; phát triển kinh tế biển thật sự trở thành động lực, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP giai đoạn 2021-2025 đạt 10-11%/năm; đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 113-115 triệu đồng/người; cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm 18-19%, công nghiệp - xây dựng chiếm 42-43%, dịch vụ chiếm 39-40%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 100-105 ngàn tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt 6.400-6.500 tỷ đồng. Theo Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm NLTT của cả nước và đồng ý bổ sung các khu DL Bình Tiên - Vĩnh Hy, Cà Ná - Mũi Dinh vào các khu DL quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển DL Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Ninh Thuận sẽ ưu tiên phát triển các lĩnh vực trọng điểm như: NLTT, DL đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế đô thị. Đây vừa là những ngành thế mạnh của tỉnh vừa là xu hướng phát triển bền vững theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”. Trong lĩnh vực năng lượng, mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT, năng lượng sạch của cả nước, với hệ thống các nhà máy NLTT đã đi vào hoạt động và đang triển khai xây dựng, trong đó một số dự án lớn đang triển khai như Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná, nhà máy thủy điện tích năng. Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển NLTT, đẩy mạnh phát triển điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối...) theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; tập trung phát triển đồng bộ sản xuất điện, hạ tầng truyền tải điện, phụ tải điện và các ngành phụ trợ, đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực để xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm NLTT của cả nước. Phấn đấu đến năm 2025, tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW, sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh và cơ bản thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước.

Trong lĩnh vực kinh tế đô thị, phát triển ngành xây dựng trở thành ngành kinh tế mạnh; chú trọng phát triền kinh tế đô thị gắn với quy hoạch, từng bước xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, hài hòa, có tính kết nối cao, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 43%. Từng bước hình thành thị trường bất động sản, phát triển các khu đô thị mới, đồng bộ và đa dạng nhiều loại hình nhà ở; ưu tiên phát triển các dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở theo chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở đã được duyệt. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 4 dự án khu đô thị được chấp thuận, nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ, 3 dự án được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư và 12 dự án đã đầy đủ pháp lý theo quy định để triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian tới.

Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh hoàn thành vào năm 2023, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Cảng biển tổng hợp Cà Ná...; nhất là tuyến đường ven biển dài trên 100 km từ Bình Tiên đến Cà Ná đã hoàn thành đi vào sử dụng, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế, thu hút nhiều dự án đầu tư vào Ninh Thuận. Nhằm tiếp tục thu hút đầu tư vào Ninh Thuận trong thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư vào tỉnh theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn. Theo đó, áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Nhà nước đối với thuê đất, cấp đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu theo quy định; các huyện của tỉnh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được hưởng khung chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo địa bàn đầu tư; đối với lĩnh vực ngành, nghề ưu đãi đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.