Những mô hình nông nghiệp “bạc tỷ”

Nhằm thực hiện đồng bộ các chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ngành nông nghiệp tỉnh từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu, cho giá trị “bạc tỷ”.

Dưa lưới Organic chuẩn JAS, USDA

Sở hữu đến 120.000m2 nhà màng trên tổng diện tích gần 60ha, Trang trại Danny Green Organic của Công ty TNHH Seagull ADC Ninh Thuận ở xã Phước Dinh (Thuận Nam) được xem là trang trại nông nghiệp hữu cơ có diện tích nhà màng hiện đại và lớn nhất tỉnh, gồm khu sản xuất chuyên canh dưa lưới, dưa lê đạt chứng nhận hữu cơ Nhật Bản, Hoa Kỳ và khu phục tráng các giống bản địa.

Anh Nguyễn Thanh Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Seagull ADC Ninh Thuận cho biết: Chính thức ra mắt thị trường vào cuối năm 2019, Danny Green Organic Farm đặt giá trị dinh dưỡng và an toàn lên hàng đầu; đây cũng là năm Danny Green Organic Farm đạt tiêu chuẩn Organic JAS - do Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản cấp. Hệ thống Organic JAS được xem là khó nhất vì kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt, đảm bảo độ an toàn nguồn nước - sức khỏe của đất, gìn giữ môi trường, chọn giống cây trồng, vật nuôi sạch bệnh, minh bạch dữ liệu, dễ truy xuất nguồn gốc, an toàn và phúc lợi của người lao động... Cụ thể, Danny Green phải thực hành tốt bộ tiêu chí về đất trồng hữu cơ (nghiêm cấm sử dụng hóa chất nông nghiệp, phân bón hóa học trong vòng ít nhất 2 năm, ít nhất 3 năm đối với cây lâu năm, trước khi gieo trồng, chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng); phân bón (sử dụng phân bón hữu cơ từ dư lượng các sản phẩm thừa trong khu vực và sử dụng chức năng của các vi sinh vật trong khu vực hoặc các khu vực xung quanh); hạt giống và cây trồng (sử dụng hạt giống và cây trồng hữu cơ, nghiêm cấm sử dụng hạt giống và cây trồng biến đổi gen trong sản xuất); kiểm soát động vật và thực vật gây hại (sử dụng các biện pháp cơ học, vật lý, sinh học hoặc có thể kết hợp để phòng trừ mối nguy hại)...

Theo anh Thuận, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, người tiêu dùng đã có sự nhận thức cao về lợi ích sức khỏe và quan tâm đến thực phẩm an toàn, chất lượng cao, từ đó thúc đẩy nhu cầu về thực phẩm hữu cơ. Với cam kết đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch, xanh tươi và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, Danny Green Organic Farm là câu trả lời đáng tin cậy về tính chuẩn mực với các đối tác phân phối như Co.opmart, Big C, Annam Gourmet, Farmer’s Market... và hệ thống cửa hàng đối chứng Danny Green Biomart, Danny Green Fruit & Bakery. Theo đó, mỗi năm Danny Green Organic Farm cung cấp ra thị trường gần 1.000 tấn dưa các loại, trong đó có nhiều giống được thị trường ưa chuộng như: Đế đặc mật, Ichiba, kim hồng ngọc, kim cô nương; đặc biệt, Ninh Thuận có số giờ nắng cao, nhờ đó tạo ra quả dưa có nhiều khác biệt, nhất là độ ngọt thuần tự nhiên. Với giá bán từ 200.000-250.000 đồng/kg, Danny Green Organic Farm cho doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm. Hiện, Seagull ADC Ninh Thuận được Cục Bảo vệ thực vật cấp 3 mã số vùng trồng dưa lưới, dưa lê và bí hạt đậu với tổng diện tích 10ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong thời gian tới.

Chia sẻ về những thành công trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, anh Thuận cho rằng, các sở, ngành và chính quyền địa phương cần tập trung, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho lĩnh vực này từ các vấn đề về tài chính và pháp lý; người nông dân được định hướng, đào tạo bài bản về các phương pháp làm nông nghiệp hữu cơ mới có thể chuyển đổi và quản lý các hệ thống sản xuất hữu cơ.

Giấc mơ “chính ngạch” tôm hùm

Anh Nguyễn Kỳ Thuyết (bên phải) kiểm tra, phân loại tôm hùm trước khi xuất bán.

Tạm biệt trang trại Danny Green Organic, xuôi theo cung đường ven biển về đến cảng Ninh Chữ, sau gần 20 phút lênh đênh trên biển, chúng tôi được tận mắt cả nghìn phao nổi đại diện cho hơn 1.000 lồng nuôi tôm hùm thẳng tắp và vô cùng đẹp mắt. Anh Nguyễn Kỳ Thuyết, chủ hộ sản xuất, liên kết tiêu thụ tôm hùm tại vùng biển C1, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) cho biết: Hiện tại, thương lái thu mua tôm hùm xanh tại Ninh Hải với mức giá từ 900.000-1.000.000 đồng/kg, đây được xem là mức giá ổn định, giúp người nuôi có lãi từ 200.000-300.000 đồng sau khi khấu trừ các chi phí.

Với hơn 30 năm trong nghề, anh Thuyết nắm rõ mọi thăng trầm của con tôm hùm, có giai đoạn gia đình tồn hàng chục tấn tôm hùm, đứng ngồi không yên vì lo lắng phá sản, nợ nần; chưa kể là bão lũ, thiên tai... Tuy nhiên, tôm hùm vẫn là đối tượng nuôi tạo việc làm ổn định và cho thu nhập cao nhất của người dân các địa phương ven biển trong tỉnh, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu nhanh, nên chẳng mấy ai từ bỏ. Nhận thấy hiệu quả của việc nuôi trồng thủy sản bằng công nghệ mới, từ năm 2019 anh đã mạnh dạn đầu tư chuyển từ cách nuôi tôm hùm lồng truyền thống sang nuôi lồng công nghệ HDPE. Từ đó, chế độ cho ăn và kiểm soát dịch bệnh được khắc phục, khả năng chống chịu sóng gió tốt khi có thiên tai xảy ra, giúp tôm hùm có điều kiện sinh trưởng nhanh, mang lại hiệu quả sản xuất cao. Ngoài 600 lồng của gia đình đang nuôi theo hình thức cuốn chiếu và 500 lồng vừa mới thả, anh Thuyết còn chủ động liên kết với các hộ nuôi trong tỉnh, trung bình thu mua và cung cấp ra thị trường từ 15-20 tấn tôm hùm/tháng, cho doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Theo anh Thuyết, nuôi tôm hùm có mức đầu tư khá lớn nhưng việc tiêu thụ tôm hùm tươi theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc trong suốt thời gian dài vừa qua cho thấy nhiều rủi ro với người nuôi, khi giá cả lên xuống thất thường, bị thương lái ép giá, nợ gối đầu kéo dài... Để ổn định đầu ra, nâng cao giá trị con tôm hùm, anh mong muốn ngành nông nghiệp tỉnh sớm xây dựng các mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất - thu mua - xuất khẩu tôm hùm gắn với truy xuất nguồn gốc để được xuất khẩu chính ngạch.

Với những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, có thể thấy, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận có uy tín, tiếp cận thị trường nội địa và quốc tế là cơ hội quan trọng để nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm, tạo thu nhập cao hơn nữa cho người nông dân. Các dự án, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh cần được hỗ trợ bằng sự cam kết và đầu tư từ các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng nông dân để có thể phát triển bứt phá và bền vững.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Tỉnh đã xây dựng vùng chuyên canh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm thông qua hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hành sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt, đa dạng sinh học, nông nghiệp hữu cơ và tương đương, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn, yêu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.