Thu hút đầu tư sản xuất tôm giống
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, môi trường nước biển trong sạch, ổn định, tận dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương, thời gian qua tỉnh tập trung quy hoạch, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải, trạm bơm nước biển, lưới điện, đường giao thông; nâng cấp 4 phòng xét nghiệm tôm đạt tiêu chuẩn cao, có khả năng kiểm tra một số loại bệnh virus trên tôm nuôi... Từ chú trọng đầu tư trang thiết bị cho các vùng sản xuất tôm giống, tạo niềm tin cho hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đăng ký tham gia sản xuất, kiến tạo nên thương hiệu mạnh trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 464 cơ sở, với hơn 1.200 trại đang hoạt động sản xuất tôm giống ở 2 khu sản xuất giống thủy sản tập trung có diện tích 225ha tại xã An Hải (Ninh Phước) và xã Nhơn Hải (Ninh Hải). Điểm thuận lợi mà các doanh nghiệp tham gia sản xuất ở đây chính là nhờ nằm gần tuyến đường chính, tạo kết nối giao thông với Quốc lộ 1, giúp việc vận chuyển, thông thương hàng hóa dễ dàng với các địa phương khác.
Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng nguồn tôm giống
Tập đoàn Việt - Úc đầu tư sản xuất tôm giống tại xã An Hải (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ
Hoạt động sản xuất tôm giống có bước phát triển tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng, nhiều công ty có sự cải tiến đáng kể về mặt kỹ thuật, áp dụng nghiêm ngặt tiêu chuẩn về quy định an toàn sinh học, được khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Thành lập từ năm 2001, trải qua gần 23 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Việt - Úc là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ vượt trội trong quá trình sản xuất. Với quy mô diện tích 1,8ha tại khu vực xã An Hải, mỗi trại sản xuất đều được trang bị đèn chiếu sáng nhân tạo, hệ thống lọc khí, máy điều hòa kiểm soát nhiệt độ và một số công nghệ tiên tiến trong xử lý nước, công nghệ xét nghiệm kiểm soát mầm bệnh, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 2 tỷ con tôm postlarvae; nhờ đó, trong nhiều năm liền Tập đoàn Việt - Úc luôn khẳng định được vị thế dẫn đầu trong mảng tôm giống tại Việt Nam. Hay Công ty Cổ phần Đầu tư S6, với công nghệ xử lý nước đầu vào bằng hệ thống siêu lọc, tích hợp tia UV diệt khuẩn, Ozon lọc khuẩn, ứng dụng các chế phẩm vi sinh để quản lý chất lượng nguồn nước, mầm bệnh, tạo ra con giống có chất lượng cao cho người nuôi.
Từ nỗ lực của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất thu được nhiều thắng lợi, sản lượng tôm giống năm 2024 ước đạt 45.180 triệu postlarvae, đạt 101,5% kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Kim Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, chia sẻ: Năm 2024 được xem là năm tương đối thuận lợi đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh tôm giống, sản lượng tôm giống tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Do nhu cầu tôm giống tăng cao từ đầu năm và kéo dài trong năm, tình hình thời tiết thuận lợi, ấu trùng chuyển giai đoạn nhanh, tỷ lệ sống cao, tạo sự phấn khởi cho các doanh nghiệp sản xuất.
Hướng tới trở thành khu vực sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước
Kỹ thuật viên Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Tuấn Hà, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) kiểm tra chất lượng con giống.
Năm 2018, tôm giống Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu và được UBND tỉnh công nhận là một trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh, chính điều này đã tạo ra bước đột phá mới, đưa nghề tôm giống phát triển vượt bậc; thúc đẩy năng lực sản xuất hằng năm đạt từ 40-50 tỷ con tôm giống, đáp ứng 30-40% nhu cầu tôm nuôi của cả nước. Trong Đề án phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021-2030, sẽ tập trung mở rộng quy hoạch sản xuất tôm giống khu vực An Hải khoảng 240ha, Nhơn Hải 130ha và vùng Sơn Hải 40ha. Theo đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu của đề án nhằm đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; đồng thời, xây dựng và phát triển hình thức hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ con giống; quảng bá sâu rộng hình ảnh tôm giống của Ninh Thuận trên thị trường. Nhằm thực hiện đảm bảo lộ trình đề ra, ngành tập trung nghiên cứu, vận dụng các cơ chế, chính sách đã ban hành, kết hợp với quy định mới của trung ương để triển khai thực hiện. Tổ chức các hội nghị chuyên đề kết nối, huy động nguồn lực, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế có năng lực tài chính, kinh nghiệm, khoa học, công nghệ và quyết tâm cao để đầu tư xây dựng, đưa thương hiệu tôm giống Ninh Thuận tiếp tục khẳng định vị thế đứng đầu của cả nước, đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà.
Đăng Khôi