Xuân về trên những cánh đồng lớn

Chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững thông qua phong trào xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) không ngừng được nhân rộng tại các địa phương, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) “bắt tay” với người dân sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn.

 Trước thềm xuân mới, chúng tôi trở lại xã Phước Hậu (Ninh Phước), đây là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm mô hình lúa CĐL của tỉnh. Hiện đang là thời điểm sản xuất vụ mùa, không khí lao động diễn ra khá nhộn nhịp, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của người nông dân. Là một trong những hộ tham gia sản xuất CĐL từ nhiều năm nay, anh Thuận Ngọc Mắng, thôn Hiếu Lễ chia sẻ: Năm 2017, khi địa phương vận động vào HTX để liên kết sản xuất lúa CĐL, ban đầu tôi khá e ngại vì đã quen với phương thức trồng lúa lâu nay, nhưng khi được giải thích cặn kẽ, nắm bắt chủ trương của tỉnh và được hỗ trợ chi phí sản xuất, tôi đăng ký tham gia với diện tích 5 sào, qua mỗi vụ sản xuất đều có lãi, nhờ ứng dụng đồng loạt các giải pháp kỹ thuật trong quá trình canh tác, lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều giảm, năng suất lúa cao hơn từ 1,5-2 tạ/sào so với ruộng lúa thông thường.

Sức lan tỏa của mô hình CĐL ở xã Phước Hậu ngày càng được khẳng định, từ 56ha ban đầu, đến nay đã tăng lên hàng trăm ha lúa, điều này cho thấy ý thức chuyển hướng từ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung hàng hóa của nông dân ngày càng chuyển biến rõ rệt. Ông Nguyễn Thành Anh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ, thổ lộ: Để vận động các hộ dân đồng lòng sản xuất tập trung CĐL là việc làm không đơn giản, nhưng chính sự quyết tâm cao của ngành chức năng, chính quyền địa phương đã đem lại kết quả hơn mong đợi. Hiện nay, HTX đang sản xuất 150ha lúa CĐL, liên kết với Nhà máy xay xát Kim Xuyến bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Nhiều năm qua, mô hình CĐL đã giúp HTX tiếp cận các kỹ thuật mới, tổ chức gieo sạ tập trung, áp dụng quy trình thâm canh phù hợp, cho năng suất lúa đạt trên 7 tấn/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 22 triệu đồng/ha, tạo sự phấn khởi cho các thành viên và nông hộ trên địa bàn.

Nông dân huyện Thuận Bắc thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Anh Tuấn

Xu hướng mở rộng CĐL không chỉ dừng lại ở việc sản xuất lúa, nhiều địa phương còn hình thành vùng sản xuất tập trung với những cây trồng đặc thù, mang tính chủ lực, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, mở hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Tiêu biểu như mô hình liên kết chuỗi giá trị bắp giống của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước An, xã Phước Vinh liên kết với Công ty TNHH Hạt giống CP trồng 80ha bắp giống, cho năng suất đạt trên 7 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha; hay mô hình trồng măng tây xanh CĐL 20ha theo hướng VietGAP gắn với áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm của HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) liên kết với Trang trại Tiên Tiến trồng và bao tiêu sản phẩm, cho lợi nhuận bình quân khoảng 300-320 triệu/ha/năm. Đặc biệt, đối với cây nho, qua trồng theo CĐL đã khắc phục hiệu quả tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thúc đẩy giá trị sản phẩm nho nâng lên đáng kể. Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), cho biết: Nhằm tạo điểm nhấn cho dòng nho ăn tươi chất lượng cao của tỉnh nhà, HTX liên kết với nông dân địa phương trồng trên 100ha giống nho NH01-152 theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với hoạt động tham quan du lịch sinh thái vườn nho. Từ việc đáp ứng tiêu chí sản xuất sạch, sản phẩm nho NH01-152 được xếp hạng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và có 7 sản phẩm chế biến từ nho được công nhận OCOP 3 sao, nhờ đó được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng.

Tính đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 70 chuỗi giá trị sản phẩm nông sản; trong đó, có 36 liên kết sản xuất CĐL, với diện tích 5.014,6ha, đạt 100% kế hoạch. Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nhìn nhận: Thực tế việc sản xuất lâu nay khá manh mún, quy mô nhỏ lẻ, sự gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp hạn chế; trên một cánh đồng còn tồn tại nhiều loại giống khác nhau, kỹ thuật chăm sóc không đảm bảo dẫn đến năng suất thấp. Thông qua tập trung đất đai gắn với chính sách hỗ trợ cho người dân, việc tổ chức sản xuất quy mô lớn theo mô hình CĐL đã khắc phục được những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, khoa học kỹ thuật áp dụng trên diện rộng, đem lại năng suất cao, chất lượng giá trị mặt hàng nông sản cũng được tăng lên.

Mô hình sản xuất CĐL được xem là hướng đi tất yếu và cũng là giải pháp thiết thực nhất để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Phong trào xây dựng CĐL tiếp tục được duy trì và nhân rộng thể hiện hướng đi đúng đắn, góp phần làm nên thắng lợi của ngành nông nghiệp trong mùa xuân mới.