Nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Nông nghiệp, các địa phương đã hỗ trợ hợp tác xã (HTX), nông dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện 57 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ các sản phẩm cây trồng với quy mô 14.276 ha, sản lượng 250.165 tấn. Hoạt động liên kết đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Thành lập năm 2009, bằng kinh nghiệm đã được tích lũy qua những năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam ở phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đã trở thành một trong những thương hiệu sản xuất giống cây trồng hàng đầu tại khu vực miền Trung. Sản lượng, doanh thu của Công ty liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước, bình quân 20%/năm; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ngừng được mở rộng; quy mô nhà xưởng sản xuất từ 300 tấn/năm, đến nay tăng lên 10.000 tấn/năm. Thị trường ban đầu chỉ trong tỉnh, nay đã mở rộng ra miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Công ty đang sở hữu nhiều giống cây trồng chất lượng cao, khả năng kháng sâu bệnh, chịu hạn tốt.

Vụ hè - thu 2022, thông qua Tổ hợp tác sản xuất lúa Công Hải (Thuận Bắc), Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam liên kết với nông dân thực hiên mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa giống quy mô 70 ha. Ông Nguyễn Lâm Danh, Giám đốc Công ty, cho biết: Để có giống tốt, Công ty thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ việc hợp tác với các nhà khoa học cho đến phát huy nội lực của DN trong sản xuất và chế biến. Công ty chọn vùng sản xuất ít sâu bệnh và trên nền ruộng 1 vụ hoặc 2 vụ. Sau khi thu hoạch, lúa tươi được đưa vào lò sấy và qua quy trình chế biến bài bản, công nghệ hiện đại, nên chất lượng giống được đảm bảo, tỷ lệ nảy mầm cao.

Dây chuyển đóng gói sản phẩm nha đam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt. Ảnh: Văn Nỷ

Ngoài chuỗi liên kết sản xuất lúa, còn có các chuỗi liên kết sản xuất các loại rau quả cũng đang được mở rộng. HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung ở xã Phước Tiến (Bác Ái) thành lập năm 2019 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất rau quả. Đứng trước thị trường nhiều tiềm năng, nhưng cũng đầy thách thức, HTX đã năng động tìm được hướng đi riêng, xây dựng khu nông trại nhà kính 2 ha, liên kết với nông dân sản xuất dưa lưới. HTX cam kết cung ứng một phần đầu vào đáp ứng số lượng, chất lượng sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 100% sản phẩm mà nông dân đăng ký cùng liên kết sản xuất với giá ổn định. HTX triển khai mô hình mẫu đáp ứng yêu cầu để nông dân tham quan tìm hiểu, cùng hợp lại trong chuỗi liên kết để tạo ra sản phẩm có chất lượng, thương hiệu. Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, ngành sản xuất rau quả đang có sự cạnh tranh khốc liệt, sản phẩm dưa lưới của HTX đã được cấp mã số vùng trồng đáp ứng các điều kiện xuất khẩu là lợi thế lớn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, HTX mở rộng liên kết với nông dân để chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Thực tế cho thấy, chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo các bên tham gia cùng có lợi. Những năm gần đây, các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hoạt động theo chuỗi giá trị ngày càng tăng, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành Nông nghiệp. Mặc dù đã có một số DN, HTX thực hiện liên kết, liên doanh từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhưng việc liên kết chưa sâu, quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhỏ, lẻ, sản phẩm không đồng đều, không đủ cung cấp số lượng lớn theo yêu cầu của các nhà phân phối. Nội dung hợp đồng liên kết tính pháp lý không cao, do đó các bên dễ vi phạm hợp đồng, đây cũng là khó khăn lớn trong quá trình liên kết.

Để nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo hướng sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của tỉnh gắn với chỉ dẫn địa lý. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, HTX; thu hút đầu tư DN tư nhân vào xây dựng các chuỗi liên kết. Nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm nông sản, sản phẩm giá trị gia tăng, cấp mã số vùng sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình gặp gỡ, trao đổi với DN, cơ sở thu mua trực tiếp thực hiện chuỗi liên kết và bao tiêu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.