Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển thủy sản

Trong hành lang tuyến biển của Việt Nam, tỉnh ta là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế về địa lý để phát triển ngành Thủy sản. Với bờ biển dài trên 105 km và có thể khai thác quanh năm, ngư trường Ninh Thuận được xác định là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước với tổng trữ lượng cá, tôm tương đối lớn; trong đó, có nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ tốt cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Về nuôi trồng, vùng biển Ninh Thuận là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản đặc thù, có nguồn giống bố mẹ dồi dào và môi trường nước biển trong sạch, là địa bàn lý tưởng để sản xuất các loại giống có chất lượng cao, nhất là tôm giống và ốc hương giống...

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trên, thời gian qua UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, nhất là ngành Nông nghiệp tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cảng cá: Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chữ, bến cá Mỹ Tân..., thành trung tâm nghề cá của tỉnh và khu neo đậu an toàn cho tàu thuyền; tổ chức kiểm tra, thẩm định đăng ký, đăng kiểm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển; tập trung thực hiện tốt công tác dự báo thông tin, mở rộng ngư trường, hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ, đội đoàn kết đánh bắt, khai thác xa bờ trên biển, nên sản lượng khai thác hằng năm của tỉnh ta luôn đạt khá.

Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.260 tàu cá từ 6 m trở lên. Đa số tàu thuyền của ngư dân đều được trang bị các phương tiện máy móc hiện đại như: Máy tầm ngư, định vị, bộ đàm, máy kéo lưới,... rất thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản xa bờ dài ngày. Ở một số địa phương như: Khánh Hội, Thanh Hải, Mỹ Tân,... (Ninh Hải); Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh (Thuận Nam) và Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu, thuyền có công suất lớn và ngư cụ hiện đại để đánh bắt khơi xa. Nhờ đó, sản lượng khai thác hải sản hằng năm của tỉnh ngày một tăng. Chỉ tính riêng trong tháng 10/2022, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt trên 7.100 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt 6.337,6 tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 6.069,7 tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 15,8 tấn; thủy sản khác đạt 252,1 tấn, tăng 1%...

Sản xuất giống thủy sản tại An Hải (Ninh Phước). Ảnh: H. Lâm

Bên cạnh sản lượng khai thác đạt khá, nuôi trồng thủy sản (NTTS) cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Trong tháng 10/2022 sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 762,5 tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 58,5 tấn; tôm đạt 434 tấn; thủy sản khác đạt 270 tấn, tăng 25%. Kết quả trên đã góp phần nâng tổng sản lượng thủy sản trong 10 tháng năm 2022 đạt 127.924 tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 8.413,6 tấn, tăng 3,9%; sản lượng khai thác đạt 119.510,4 tấn, tăng 1,5%. Cùng với đó, việc sản xuất giống thủy sản cũng đang có bước phát trển mới. Hiện tỉnh ta có 2 vùng sản xuất giống tập trung là An Hải (Ninh Phước), Nhơn Hải (Ninh Hải) và một số khu vực sản xuất rãi rác đó là Cà Ná (Thuận Nam) và Khánh Hội, xã Tri Hải (Ninh Hải) với hàng trăm cơ sở đang hoạt động. Riêng tại vùng sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải có tổng diện tích 125 ha được Bộ NN&PTNT quan tâm đầu tư xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu từ khá sớm, hiện có trên 140 cơ sở sản xuất giống thủy sản đang hoạt động (chủ yếu là tôm giống), trong đó có một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Uni - President Việt Nam, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn Việt Úc..., với sản lượng sản xuất hằng năm đạt từ 13-15 tỷ con giống, chiếm trên 30% tổng sản lượng giống của cả tỉnh. Trong tháng 10/2022 tổng sản lượng giống mà các cơ sở sản xuất trong tỉnh cung cấp đạt 1,58 tỷ con, tăng 5,3% so cùng kỳ năm 2021; riêng sản lượng tôm sú giống trong tháng 10 ước đạt 0,19 tỷ con; tôm thẻ giống ước đạt 1,39 tỷ con, tăng 15,8%. Lũy kế 10 tháng, số lượng giống thủy sản sản xuất ước đạt 33,13 tỷ con, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Với mục tiêu đưa ngành Thủy sản tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững, thời gian tới, ngoài việc phối hợp các địa phương chỉ đạo bà con phát triển NTTS theo hướng nâng cao chất lượng giống, hạn chế những rủi ro do dịch bệnh, Sở NN&PTNT tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng gắn với mở rộng quy mô diện tích vùng sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải lên 200 ha, phát triển theo hướng tích hợp đầy đủ các ngành công nghiệp phụ trợ như: Công nghiệp sản xuất thức ăn tươi sống, sản xuất vi tảo, ấp nở Artemia, hệ thống cấp nước đầu vào, xử lý nước cấp và nước thải tập trung, với kinh phí dự kiến khoảng 700 tỷ đồng.

Ngoài giải pháp trên, hằng năm ngành Nông nghiệp phối hợp các địa phương xây dựng kế hoạch NTTS theo mùa vụ cụ thể. Xây dựng các giải pháp thực hiện kế hoạch để chỉ đạo việc tổ chức sản xuất NTTS theo hướng thành lập các tổ cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra và quản lý chất lượng tôm giống, kiểm soát thú y thủy sản, công tác quan trắc, cảnh báo môi trường ở các vùng nuôi. Trong khai thác thủy sản tiếp tục vận động ngư dân thành lập các tổ hợp tác, đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao trình độ khai thác, đồng thời từng bước đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng và hệ thống dịch vụ nghề cá, nhằm khai thác hiệu quả nguồn lợi, kết hợp với bảo vệ môi trường ven biển, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phấn đấu đến năm 2025 ngành Thủy sản chiếm 24-25% trong cơ cấu nội bộ ngành, góp phần đưa kinh tế biển chiếm 41-42% GRDP của tỉnh.