Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 4,5 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng 9/2022; trong đó, nhóm nông sản chính trên 2,1 tỷ USD, lâm sản chính gần 1,3 tỷ USD, thủy sản 900 triệu USD và chăn nuôi 35,3 triệu USD…
Tính chung 10 tháng, xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 18,8 tỷ USD, tăng 7,2%; lâm sản chính khoảng 14,4 tỷ USD, tăng 10,7%; thủy sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7%; chăn nuôi 326,9 triệu USD, giảm 8,7%; đầu vào sản xuất gần 2 tỷ USD, tăng 45,3%.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Từ đầu năm đến nay, có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái như: cà phê gần 3,3 tỷ USD, tăng 33,4%; cao su 2,8 tỷ USD, tăng 11,2%; gạo trên 2,9 tỷ USD, tăng 7,4%; hồ tiêu 829 triệu USD, tăng 4,7%; sắn và sản phẩm sắn 1,1 tỷ USD, tăng 16,5%; cá tra trên 2,1 tỷ USD, tăng 76,5%; tôm 3,8 tỷ USD, tăng 20,3%...
Tuy nhiên, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như: rau quả đạt gần 2,8 tỷ USD, giảm 6,5%; hạt điều gần 2,6 tỷ USD, giảm 15,3%; sản phẩm chăn nuôi 326,9 triệu USD, giảm 8,7%...
Về thị trường xuất khẩu, 10 tháng, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 44,1% thị phần; châu Mỹ 27,9%; châu Âu 11,5%; châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,7%.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 11,4 tỷ USD (chiếm 25,4% thị phần). Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 8,3 tỷ USD (chiếm 18,5% thị phần). Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD (chiếm 7,8%).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, hạn hán tại Trung Quốc ảnh hướng đến sản xuất là cơ hội cho xuất khẩu nông sản sang thị trường này. EU đã xây dựng kế hoạch “Làn đường đoàn kết” để thuận lợi cho việc giao thương nên xuất khẩu sang thị trường này dần chuyển biến tích cực, nhưng yêu cầu của nhà nhập khẩu ngày càng cao, chi phí logitics lớn... sẽ là thách thức với doanh nghiệp.
Đối với thị trường Mỹ, trong tháng 10, quả bưởi tươi (citrus maxima) là loại trái cây thứ 7 được phép nhập khẩu vào thị trường này sau quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh theo phương thức mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản.
Các đơn vị chức năng theo dõi sát biến động thị trường; tình hình sản xuất và nguồn cung, đặc biệt là các nông sản vào chính vụ như sầu riêng, xoài, thanh long, bơ… Ngành nông nghiệp tuyên truyền, thông tin và định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, đảm bảo lợi ích của người dân.
Theo TTXVN/Báo Tin tức