Kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh về khảo sát, điều tra cây dược liệu của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành ghi nhận, toàn tỉnh hiện có 1.269 loài cây thuốc như xáo tam phân, kim ngân hoa, nghệ đen, dây khai, linh chi tím, sa nhân tím, sả, bạc hà…, trong đó có 82 nguồn gen quý hiếm, đặc trưng, mang tính chất bản địa. Thành phần loài phong phú, đa dạng và có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên nguồn cung cấp dược liệu của tỉnh chủ yếu dựa trên việc thu hái, khai thác từ tự nhiên, chưa chú trọng đến việc gieo trồng, tái sinh, dẫn đến nguy cơ suy giảm nhanh về số lượng và thành phần loài cây thuốc.
Ông Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: Nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu, Sở đã giao giao Hội Đông y tỉnh thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trình diễn, bảo tồn và phát triển bền vững nghề thuốc Nam truyền thống của đồng bào Chăm” với 30 hộ ở thôn An Nhơn, Phước Nhơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) tham gia; qua đó, tạo ra khối lượng lớn cây thuốc được khai thác và sử dụng đạt 3.000 tấn/năm. Ngoài ra, các cấp hội còn vận động hội viên, phối hợp với trung tâm y tế các huyện, trạm y tế xã, phường, thị trấn và nhiều trường học, phát động phong trào trồng và sử dụng 32 loại cây thuốc thay thế, góp phần tăng số lượng cây thuốc, phục vụ hiệu quả nhu cầu chữa bệnh cho người dân địa phương.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan mô hình trồng cây đinh lăng của Công ty Cổ phần Thảo dược LKVN. Ảnh: Hồng Lâm
Cùng với đó, nhiều đề tài nghiên cứu, dự án về cây dược liệu cũng được triển khai như đề tài “Bảo tồn và phát triển nguồn gen Nấm quế linh chi” tại Vườn quốc gia Phước Bình (Bác Ái), phối hợp với Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số nguồn gen Thanh thiên quỳ và nguồn gen cây Sa nhân tím có nguồn gốc từ Vườn quốc gia Phước Bình. Vườn quốc gia Núi Chúa đang phối hợp với Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. Hồ Chí Minh trồng thử nghiệm 0,2 ha cây Mạn kinh tử tại khu vực Bãi Thịt, thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Đây là những khu vực có khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho phát triển các loại cây dược liệu, thành công của các đề tài là cơ sở để chuyển giao, nhân rộng, đáp ứng nhu cầu sản xuất sơ chế, chế biến trong và ngoài tỉnh.
Để nâng cao giá trị cây dược liệu, tỉnh có nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển sản xuất và chế biến sản phẩm. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu và ký kết hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm, gắn với đào tạo kỹ thuật cho người dân trong quá trình sản xuất. Là doanh nghiệp tiên phong trong việc triển khai mô hình trồng và chế biến sản phẩm từ cây dược liệu, ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Thảo dược LKVN tại xã Quảng Sơn (Ninh Sơn), cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện quỹ đất cho công ty xây dựng nhà máy chế biến và trồng hơn 120 ha cây đinh lăng và một số cây dược liệu khác. Các sản phẩm chế biến đặc trưng từ cây dược liệu như nước uống đóng chai, trà túi lọc, viên nén đinh lăng, trà khổ qua rừng… cung cấp ra thị trường khoảng 10 triệu sản phẩm/năm.
Các sản phẩm chế biến từ cây đinh lăng của Công ty Cổ phần Thảo dược LKVN.
Chúng tôi dự kiến mở rộng vùng trồng nguyên liệu lên 500ha và hiện đang đề xuất tỉnh tạo điều kiện để thực hiện liên kết với các tổ chức, cá nhân, nông hộ, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh của công ty và đem lại thu nhập cho các bên tham gia. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, ngành chức năng và huyện Bác Ái tích cực phối hợp với Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) khảo sát vùng trồng dược liệu quý, với mục tiêu hình thành tối thiểu 210 ha; trong đó, có 30 ha ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, huyện Bác Ái đã thông báo lựa chọn đơn vị chủ trì liên kết thực hiện và đang dự thảo Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định để tiến hành các bước tiếp theo của dự án.
Để cây dược liệu phát triển tương xứng với tiềm năng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4497/KH-UBND ngày 18/10/2022 về phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đề ra của kế hoạch không chỉ bảo tồn, phát triển cây thuốc, nguồn gen quý hiếm hiện có mà còn hướng trọng tâm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia liên kết với người dân ở các địa phương đầu tư trồng dược liệu trên quy mô lớn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng tới trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Hồng Lâm