Chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở xã Hòa Sơn

Xã Hòa Sơn có tổng diện tích đất nông nghiệp 1.765ha, trong đó chủ yếu là cây mì, mía, cây lâu năm, cỏ voi, rau đậu các loại… Tuy cây trồng chủ lực của địa phương là cây mía và mì, nhưng một số nơi của xã lại cho hiệu quả thấp vì thổ nhưỡng không phù hợp và không chủ động được nước tưới.

Để thực hiện hiệu quả mô hình chuyển đổi cây trồng, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm giúp nông dân mở rộng diện tích sản xuất có nước tưới, xã quy hoạch thành các tiểu vùng và vùng sản xuất tập trung ở thôn Tân Lập và thôn Tân Định, các vùng dọc suối Sông Dầu. Trong đó, tập trung chuyển đổi từ cây mì, mía sang các loại cây trồng như: Táo nho, mãng cầu, dừa, nhãn, xoài, dưa lưới... Bước đầu, xã thực hiện chuyển đổi 50ha cây trồng nói trên với nguồn kinh phí 750 triệu đồng, hỗ trợ 28 hộ dân đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm với số tiền trên 269 triệu đồng.

Là một trong những hộ đầu tiên thành công từ chuyển đổi đất trồng mỳ sang mô hình trồng tre lấy măng, anh Nguyễn Tiến Dũng (thôn Tân Lập) cho biết: Trước đây với 3 sào đất chủ yếu trồng mì và các loại cây khác nhưng không hiệu quả, tôi chuyển sang trồng tre lấy măng, tôi mua giống Tứ Quý và Bát Độ ở ngoài Bắc về trồng, 3 năm nay cho hiệu quả kinh tế khá ổn. Trồng tre sẽ đỡ được công chăm sóc, giá bán tốt. Mỗi năm, tôi thu hoạch măng suốt 9 tháng, trung bình từ 1-3 ngày có thể cắt măng bán cho thương lái hoặc bán lẻ ở chợ với thu nhập 300.000 – 500.000 đồng. Với mô hình cây trồng này, đến nay Hoà Sơn có gần 10 hộ với diện tích gần 5ha và đang tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn.

Mô hình chuyển từ cây mì sang trồng tre lấy măng cho hiệu quả kinh tế cao  đang được nhân rộng ở xã Hòa Sơn (Ninh Sơn).

Một mô hình chuyển đổi khác cũng mang lại thu nhập khá cho nông dân trong vài năm gần đây ở xã Hòa Sơn có thể kể đến đó là mô hình trồng mãng cầu thái. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Hữu Cường, thôn Tân Định: Sau một thời gian trồng thử nghiệm, cây mãng cầu phát triển khá tốt với đất ở đây. Loại cây này một năm cho thu hoạch 2 vụ, trái to, năng suất cao và bán được giá, bình quân 50.000 đồng/kg, còn vào dịp Tết Nguyên đán giá 65.000 -

70.000 đồng/kg. Mỗi sào đất trồng mãng cầu nông dân có thể kiếm được lợi nhuận từ 60 - 70 triệu đồng/năm, thậm chí cao hơn.

Từ những hiệu quả rõ rệt trong sản xuất nông nghiệp, những mô hình này dần được nhân rộng. Đến nay, xã Hoà Sơn đã có 12ha xoài, 6ha táo nho, 6,5ha mãng cầu, dừa, nhãn, 2 sào dưa lưới công nghệ cao,... góp phần cải thiện đời sống của bà con các thôn Tân Lập, Tân Định, Tân Hòa. Diện mạo nông thôn thay đổi đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Trong định hướng của UBND huyện Ninh Sơn về Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tại xã Hòa Sơn và Ma Nới, dọc theo tuyến đường Tân Sơn – Tà Năng sẽ hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích 1.074,16ha. Trong đó, sẽ phát triển các vùng sản xuất tập trung cây mía với diện tích 200ha tại phía Bắc suối Ông Bốn và thôn Tân Lập; phát triển 3 vùng sản xuất tập trung cây mì với tổng diện tích 220ha tại các thôn: Tân Định, Tân Lập và Tân Bình; vùng sản xuất tập trung cây nho và cây táo tại thôn Tân Lập với diện tích 50ha; hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung cây bắp luân canh với cây họ đậu với tổng diện tích 410ha tại thôn Tân Tiến và Tân Hiệp,…

Ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bám sát định hướng quy hoạch của huyện trong thời gian tới xã triển khai có hiệu quả phát triển nông nghiệp theo hướng hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc trưng, đáp ứng nhu cầu thị trường; chú trọng đến các mô hình kinh tế đang phát triển và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ cao và hình thành các vùng sản xuất gắn với tiêu thụ, giúp nông dân vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, một trong khó khăn hiện nay là hệ thống kênh mương thủy lợi từ hồ Sông Than chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Do vậy khi hệ thống kênh mương nội đồng từ hồ Sông Than được đầu tư hoàn chỉnh sẽ khai thác hiệu quả sử dụng nguồn nước, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới vào mùa khô, giúp người dân yên tâm sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp của địa phương phát triển.