Sau khi các sản phẩm táo sấy dẻo, táo tươi, măng tây xanh được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao vào năm 2023, Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh vật tư nông nghiệp và thu mua chế biến nông sản Phước Vinh 59, xã Phước Vinh đã chủ động ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh bán hàng mới, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Hồng Phấn, Giám đốc HTX Phước Vinh 59 cho biết: Để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, thời gian qua, ngoài các kênh bán hàng truyền thống, HTX đã chủ động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số thông qua các sàn TMĐT như: Shopee, TikTok, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo; thành lập hội nhóm chợ nông sản sạch trong và ngoài tỉnh... Thông qua các nền tảng số sản phẩm nông sản của HTX được nhiều người tiêu dùng để ý và quan tâm nhiều hơn. Khách hàng chỉ cần vào các trang mạng sẽ có đầy đủ thông tin cũng như giá thành, chất lượng sản phẩm như đã giới thiệu, sau đó chọn lựa số lượng và để lại địa chỉ, HTX sẽ liên hệ và giao hàng đến tận nơi. Ước tính các sản phẩm nông sản của HTX được tiêu thụ thông qua nền tảng số đạt từ 40-50%.
Với cơ sở sản xuất, kinh doanh Đất Nắng, xã Phước Hậu, sau nhiều đợt tập huấn về chuyển đổi số do các sở, ngành tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh Đất Nắng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm như đưa sản phẩm lên sàn TMĐT như: Shopee, TikTok, Zalo, Fanpage; đồng thời chủ động lập website tại địa chỉ http//:datnanggarden.com. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm qua các nền tảng số đã giúp cơ sở gia tăng lượng hàng hóa, giảm các chi phí mở, đại lý phân phối, sản phẩm tiêu thụ cũng tăng từ 20-30%.

Sản phẩm táo sấy của cơ sở sản xuất Trung Tuấn, xã Phước Thuận (Ninh Phước).
Anh Lương Ngọc Thức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh Đất Nắng cho biết: Năm 2022, sau khi sản phẩm táo sấy, táo tươi được chứng nhận là sản phẩm OCOP, thông qua nền tảng số, cơ sở không chỉ cung cấp thông tin về sản phẩm, mà còn trực tiếp nhận được ý kiến phản hồi của người tiêu dùng về sản phẩm, từ đó rút kinh nghiệm, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Nhờ đó, nhiều sản phẩm của cơ sở được nhiều khách hàng biết đến, việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi hơn.
Đồng chí Huỳnh Tuấn Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ninh Phước cho biết: Thực hiện chương trình OCOP đến nay toàn huyện có 36 sản phẩm OCOP. Để giúp các sản phẩm tiêu biểu của địa phương vươn xa, cùng với các kênh bán hàng truyền thống, huyện đã hỗ trợ các chủ thể đưa các sản phẩm lên các trang TMĐT để quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối đến người tiêu dùng trong cả nước. Đồng thời, địa phương còn chủ động hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể sản phẩm đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm lên các nền tảng số. Phối hợp với các sở, ngành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người dân có sản phẩm tiêu biểu tiếp cận, đưa hàng hóa trên sàn TMĐT; hỗ trợ các chủ thể cài đặt, sử dụng quy trình bán hàng trên nền tảng số để đăng tải thông tin sản phẩm đặc thù, nhất là sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT của tỉnh và các trang thương mại điện tử khác; hướng dẫn các chủ thể cách chụp ảnh sản phẩm, livestream trực tiếp tại vườn để giới thiệu sản phẩm. Cùng với đó, huyện còn tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về Chương trình OCOP để nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng địa phương; tăng cường giới thiệu các chủ thể tham gia các hội trợ triển lãm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT; khuyến khích các chủ thể, người dân duy trì các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu dùng sản phẩm trên nên tảng số giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm đặc thù của địa phương. Qua đó, góp phần đưa sản phẩm đặc thù của huyện đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước. Đây được xem là nền tảng, tạo bước đi vững chắc và bền vững cho sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của huyện Ninh Phước trên thị trường.
Tiến Mạnh