Ông Võ Chi, Chủ tịch Hiệp hội Nho và Táo Ninh Thuận cho biết: Hiệp hội tập trung hỗ trợ nông dân mở rộng vùng sản xuất nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp áp dụng khoa học- công nghệ (KHCN) vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Cùng với đó, tăng cường quản lý, cấp phát “Chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận”, “Nhãn hiệu tập thể táo Ninh Thuận”, tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc nhằm bảo vệ thương hiệu.
Theo đó, Hiệp hội đang triển khai ứng dụng hệ thống nhận diện tem điện tử thông minh cho “Nho Ninh Thuận” trong việc truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nho và đã cấp phát trên 60.000 tem nhãn điện tử truy xuất nguồn gốc nho và táo giai đoạn thử nghiệm cho 6 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nho thuộc hội viên; hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Xuân Hải (Ninh Hải) và HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cấp tem nhãn, tờ rơi, áp phích, thùng đựng nho cho 2 HTX phục vụ quảng bá sản phẩm tại Hội chợ thương mại ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,... Ngoài ra, Hiệp hội còn giới thiệu cho một số đại lý có thị trường tiêu thụ nho tươi và nho làm rượu, vận động doanh nghiệp hỗ trợ gần 96.000 bao chùm quả nho trong vụ đông - xuân và hè- thu 2022 cho hội viên.
Phân loại táo tại Trang trại nho Ba Mọi. Ảnh: Phan Bình
Phát huy vai trò của Hiệp hội, đơn vị tích cực phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật môi trường (thuộc Viện Nghiên cứu môi trường nông nghiệp nông thôn Hà Nội) triển khai mô hình canh tác nho theo hướng sinh học, quy mô 2.000 m2 tại HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Xuân Hải đạt kết quả bước đầu khá tốt; xây dựng mô hình trồng táo hữu cơ 8 ha tại xã Nhị Hà (Thuận Nam) đã được công nhận đạt tiêu chuẩn táo Organic. Ông Nguyễn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Đỉnh Lợi cho biết: Sau khi được cấp chứng nhận táo hữu cơ, sản phẩm táo tươi đã có mặt trên thị trường được nhiều khách hàng chào đón, đánh giá cao về chất lượng, được đối tác hợp đồng bao tiêu đầu ra, giá bán ổn định hơn so với trước đây.
Để thúc đẩy phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ quả nho và táo, thời gian qua, nhiều đơn vị sản xuất đã được hỗ trợ chuyển giao công nghệ xử lý bảo quản quả sau thu hoạch, dây chuyền sấy nông sản. Trong đó, nổi bật là Công ty TNHH SX-TM Nông sản Thái Thuận lắp đặt dây chuyền sấy nông sản và hệ thống xử lý bảo quản quả nho và táo sau thu hoạch theo công nghệ khí điều biến (MAP). Cơ sở sản xuất rượu vang nho Thiên Thảo được hỗ trợ đầu tư dây chuyền sấy nông sản và kho lạnh công suất 8 tấn/ngày. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 25 hệ thống sấy nho, táo và 3 dây chuyền xử lý, bảo quản nho, táo sau thu hoạch đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Ứng dụng trồng táo trong nhà màn giảm được tác hại của ruồi đục quả.
Theo ông Võ Chi, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 2.000 ha nho và táo, phần lớn người dân trồng nho, táo quảng canh, ít đầu tư thâm canh, chưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nên giá trị sản phẩm thấp. Để phát triển sản xuất nho và táo theo hướng bền vững và trở thành thương hiệu mạnh trong cả nước cần có cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đặc thù hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình sản xuất VietGAP nhằm giữ vững uy tín sản phẩm với người tiêu dùng trên cả nước. Đối với nông nghiệp hữu cơ, cần quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất quy mô lớn gắn với cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, cá nhân mong muốn áp dụng sản xuất hữu cơ hoặc các tiêu chuẩn nông sản sạch. Đồng thời, các ngành chức năng cần nghiên cứu quy trình sản xuất hữu cơ cho các loại cây trồng đặc thù của tỉnh để chuyển giao tiến bộ KHCN canh tác cho doanh nghiệp, nông dân áp dụng vào thực tế sản xuất.
Thời gian đến, Hiệp hội tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thành lập các HTX kiểu mới và tổ liên kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm nho và táo, làm cơ sở ứng dụng các tiến bộ KHCN mới vào sản xuất, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát nội bộ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng tiến bộ KHCN nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế mới cho nghề trồng nho, táo.
Anh Thi