Ngành nông nghiệp triển khai các giải pháp ứng phó với hạn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 2/5 tổng dung tích 23 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh còn 156,68 triệu m3 chiếm 37,51% dung tích thiết kế; lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương 83,39 triệu m3/165 triệu m3, lưu lượng nước vào hồ 12,12m³/s và đang xả nước với lưu lượng 4,85m³/s.

Hiện nay, có 2/23 hồ đã hết nước (hồ CK7 và hồ Ông Kinh), 3/23 hồ đã xuống mực nước chết (hồ Sông Biêu, hồ Suối Lớn và hồ Bầu Ngứ), 2/23 hồ sẽ hạ thấp đến mực nước chết trong tuần tới là hồ Tân Giang và Lanh Ra. Hạn hán chưa xảy ra thiệt hại trong sản xuất và chưa thiếu nước sinh hoạt, riêng một số xã trên địa bàn huyện Bác Ái và Ninh Sơn có ảnh hưởng.

Tại xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) xảy ra tình trạng thiếu nước tưới cho vườn cây ăn trái 200ha của các hộ dân tại khu vực Cầu Khỉ thuộc thôn Lâm Hòa, khu vực dọc theo suối Gia Chiêu thuộc thôn Lâm Bình, khu vực Suối Le thuộc thôn Lâm Bình và Lâm Phú. Toàn bộ khu vực này các hộ dân sử dụng nguồn nước từ suối Gia Chiêu và các con suối nhỏ để tưới tiêu và phục vụ sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên trong tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài thời gian qua đã làm nguồn nước tại các suối khô cạn, không còn nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, đang là mùa ra hoa, đậu quả của các vườn cây ăn trái do vậy với tình hình thiếu nước như hiện nay sẽ không đảm bảo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển, làm ảnh hưởng đến năng suất. Nếu nắng nóng kéo dài thêm 10 ngày nữa thì 300ha mía ở khu vực Suối Mây 1, 2, 3, Sông Dầu 2, Lô 20, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) cũng thiếu nước tưới. Hiện tại, mía đang ở giai đoạn đầu sinh trưởng, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống, đẻ nhánh.

Nông dân huyện Thuận Bắc tích cực chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Hồng Lâm

Để ứng phó với hạn hán ngày 16/4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1655/KH-UBND về ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tùy vào tình hình thời tiết sản xuất vụ hè - thu năm 2024 sẽ triển khai linh hoạt theo 2 phương án. Hiện nay, do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, không có mưa, nên sản xuất vụ hè - thu tổ chức thực hiện theo phương án 1 với diện tích 23.460,5ha; trong đó, cây lúa 13.460,5ha, cây màu 10.000ha, đạt 75,6% so với kế hoạch. Diện tích dừng sản xuất là 7.589,5ha; trong đó, lúa 2.692ha, cây màu 4.897,5ha. Thời vụ xuống giống từ ngày 1/5 đến 10/6; tính đến ngày 2/5 đã xuống giống 1.434ha, đạt 6,1 % kế hoạch.

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 1655/KH-UBND của UBND tỉnh, đơn vị đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-SNNPTNT ngày 25/4/2024 về ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trong lĩnh vực NN&PTNT năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Sở phối hợp với các ngành, địa phương tập trung vào nhiệm vụ chống hạn; triển khai quyết liệt công tác ứng phó hạn trên tất cả các lĩnh vực, trong đó ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho chăn nuôi và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nước tưới cho cây trồng lâu năm, tập trung theo nhóm giải pháp trọng tâm: Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn nước và chia sẻ nguồn nước trong sinh hoạt. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè - thu kịp thời vụ; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất; nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Vận động nông dân không xuống giống ở những khu vực không chủ động nước tưới; tăng cường trữ nước, áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm trong sản xuất. Tiếp tục rà soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hạn hán nói chung, đặc biệt là nước sinh hoạt cho nhân dân tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Hồ Bầu Ngứ đã xuống mực nước chết. Ảnh: P.N

Để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, Sở NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, nhân lực nhằm khắc phục ngay các sự cố nếu xảy ra, giảm thiểu mất nước. Thường xuyên bảo dưỡng thiết bị máy bơm; dự phòng thêm một số máy bơm ở các trạm để tăng công suất, bơm nước ở các hồ dưới mực nước chết; chú trọng bảo dưỡng nhà máy nước thô Kênh Nam, Kênh Bắc; phối hợp các địa phương theo dõi và đề xuất giải pháp dự trữ nguồn nước trên sông suối nhỏ khu vực Cầu Gẫy - Vĩnh Hy, Tập Lá - Phước Chiến, Suối Lạnh, Phước Bình,... Đấu nối các công trình cấp nước tập trung để hỗ trợ nước thô, nước sạch với nhau; phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi để ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt; phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp nước mở nước sạch tại các điểm đã đấu nối khi cần thiết.

Đối với công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, Sở NN&PTNT đề ra giải pháp nạo vét, đào mới ao chứa nước, trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để giải quyết thức ăn cho đàn gia súc; có kế hoạch di chuyển đàn gia súc đến các khu vực thuận lợi về thức ăn, nước uống để ứng phó khi hán hán xảy ra. Thực hiện giám sát, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm không để các loại dịch bệnh xảy ra. Tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp dự trữ thức ăn gia súc trong điều kiện hạn hán; các hồ chứa nước bị cạn kiệt tuyệt đối không cho gieo trồng để nước phục vụ sinh hoạt của người dân và nước uống cho vật nuôi.