Để phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình BĐKH, huyện Ninh Hải đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng giảm diện tích trồng lúa, hạn chế tối đa sản xuất lúa 3 vụ với những vùng, khu vực không thuận lợi cho cây lúa, chuyển sang các loại cây trồng khác hiệu quả hơn, trong đó chú trọng tăng nhanh các ngành hàng, các loại cây trồng có lợi thế so sánh và tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và tăng thu nhập cho người dân.
Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải cho biết: Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi bền vững, góp phần mang lại nguồn kinh tế ổn định cho nông dân, huyện luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo tìm ra các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với xu thế phát triển của thị trường hiện nay. Theo Kế hoạch chuyển đổi vụ đông - xuân năm 2023-2024, toàn huyện chuyển đổi 24,5ha. Đến nay đã chuyển đổi 22,5ha, đạt 91,8 % kế hoạch. Trong đó, chuyển đổi trên đất lúa 7ha; chuyển đổi trên đất khác 15,5ha. Chủ yếu là các loại cây ăn trái như: Mít, xoài, táo, dưa hoàng kim, dưa hấu... mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng đã và đang mang lại hiệu quả khả quan, thu nhập và đời sống của người dân huyện Ninh Hải từng bước ổn định và ngày càng nâng lên.
Khoảng 5 năm nay, gia đình bà Võ Thị Lễ, ở thôn Khánh Phước, xã Nhơn Hải (Ninh Hải), đã chuyển đổi 2 sào đất trồng cỏ trước đây sang trồng táo, mỗi năm 2 vụ, năng suất trung bình đạt gần 4 tấn/vụ, cho thu nhập gần 100 triệu/năm. Bà Lễ cho hay: Trước đây gia đình tôi trồng cỏ cho gia súc ăn, nhưng năng suất thấp, quá trình làm đất và chăm sóc cỏ, tôi đều phải dùng máy bơm nước vào ruộng rất vất vả và mất nhiều công lao động. Sau khi được tuyên truyền chuyển đổi cây trồng phù hợp, tôi chuyển hẳn sang trồng táo và thấy hiệu quả đạt được gấp 3 lần so với trồng cỏ, sử dụng hệ thống tưới phun giúp tiết kiệm nước và công lao động, vòng thời gian thu hoạch táo kéo dài trên 10 năm, nên tôi thấy việc chuyển đổi cây trồng rất hợp lý và hiệu quả.
Tại xã Phương Hải, gia đình ông Nguyễn Văn Chục, thôn Phương Cựu 3, xã Phương Hải, cũng chuyển đổi hơn 4 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, dưa hoàng kim, dưa leo cách đây vài năm và bước đầu mang lại hiệu quả. Ông Chục cho biết: Canh tác lúa của gia đình trước đây gặp không ít khó khăn do phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên, năm nào thời tiết thuận lợi thì sản xuất được 2 vụ, không thì chỉ một vụ. Năng suất lúa vụ nào cao nhất cũng chỉ được khoảng 8 tạ/sào. Để thích nghi với thời tiết nắng nóng tôi chọn trồng các loại dưa như: Dưa hoàng kim, dưa hấu, dưa leo và khổ qua. Sản lượng của các loại dưa cao hơn, như dưa hoàng kim đạt 2 tấn/sào, dưa hấu đạt 4 tấn/sào, lãi cũng cao gấp đôi trồng lúa, một năm thu hoạch được 2 vụ, trừ hết chi phí tôi thu được trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Chục, thôn Phương Cựu 3, xã Phương Hải (Ninh Hải) chăm sóc dưa hấu trên diện tích đất lúa chuyển đổi.
Cùng với bà Lễ, ông Chục, nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Ninh Hải đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những diện tích lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như sáo tam phân, nha đam, mít, xoài... Theo ngành chức năng, quá trình chuyển đổi cây trồng cho thấy hiệu quả mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, góp phần nâng giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp trồng trọt.
Nhìn chung, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa ứng phó với BĐKH không những mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng được xem là giải pháp để người dân địa phương an tâm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất an toàn, bền vững trước thách thức của BĐKH trong tình hình hiện nay. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất, nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Thời gian tới, huyện Ninh Hải sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, định hướng chuyển đổi cây trồng thích ứng với BĐKH, phát huy lợi thế của từng vùng, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị phát triển bền vững cho sản xuất nông nghiệp địa phương. Từ đó thực hiện tốt các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng huyện Ninh Hải đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất mà nghị quyết Đảng bộ huyện đã và đang chú trọng tập trung thực hiện trong suốt thời gian qua.
Hồng Nguyệt