Nằm ở phía Bắc bờ Sông Dinh, gia đình ông Trần Văn Duy ở khu phố 4, phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) có hơn một sào đất chuyên sản xuất các loại cây trồng như: Quế, é, cải ngọt, rau dền... Ông Duy, cho biết: Đất sản xuất của gia đình tôi nằm cách bờ Sông Dinh khoảng 700m, để có nước sản xuất gia đình tôi đầu tư một giếng khoan gần 10m để lấy nước tưới cho cây trồng. Trước kia chưa có đập hạ lưu Sông Dinh vào mùa khô thủy triều xâm nhập mặn làm nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn bà con không thể sản xuất được. Từ ngày công trình hoàn thành đưa vào vận hành đã giúp nguồn nước ngầm ngọt quanh năm, nhờ đó giúp gia đình duy trì sản xuất các loại rau, củ, quả để phát triển kinh tế gia đình.
Cũng như gia đình ông Duy, từ ngày công trình đập hạ lưu Sông Dinh đưa vào sử dụng đã giúp gần 1,5 sào đất của gia đình chị Phan Thị Yến Nhung ở khu phố 4, phường Tấn Tài lúc nào cũng phủ lên màu xanh của các loại rau, màu như: Cải ngọt, ngò, quế... Chị Nhung, chia sẻ: Nhờ có đập ngăn mặn nên bữa nay không còn lo nguồn nước bị nhiễm mặn nữa, bà con ở trong khu phố và nhiều hộ ở dọc hai bờ Sông Dinh sản xuất ổn định quanh năm. Những hộ xa bờ sông thì sử dụng hệ thống nước ngầm để tưới cho cây trồng, còn những hộ có đất sản xuất ở sát bờ Sông Dinh thì dùng máy bơm để bơm nước trực tiếp lên tưới cho hoa màu.
Công trình đập hạ lưu Sông Dinh vận hành tích nước giúp hoa màu của người dân sống hai bên bờ Sông Dinh phát triển tốt.
Ở phía Nam bờ Sông Dinh, nhiều diện tích hoa màu và cây ăn quả lâu năm của người dân ở xã An Hải (Ninh Phước) và phường Đạo Long (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) với các loại cây trồng như: Ớt, mướp, táo, nho, mít, ổi... cũng phủ lên màu xanh tươi tốt trong điều kiện thời tiết khô hạn như hiện nay nhờ có nguồn nước của đập hạ lưu Sông Dinh. Ông Nguyễn Xuân Nhựt ở khu phố 6, phường Đạo Long, phấn khởi cho biết: Công trình đập hạ lưu Sông Dinh mang lại lợi ích rất lớn cho bà con trong sản xuất nông nghiệp, công trình không chỉ giúp ngăn mặn hiệu quả mà còn trữ nước ngọt để bà con ổn định sản xuất và điều quan trọng nữa là làm nguồn nước ngầm được ngọt hóa giúp bà con duy trì sản xuất trong mọi điều kiện thời tiết, nhất là trong mùa khô.
Công trình đập hạ lưu Sông Dinh là dự án trọng điểm của tỉnh được khởi công xây dựng vào tháng 3/2017, có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Chính phủ. Công trình được áp dụng thiết kế, thi công và vận hành theo công nghệ hiện đại trong ngành thủy lợi. Công trình có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn do ảnh hưởng của thủy triều đối với vùng đất hai bên bờ Sông Dinh. Từ tháng 2/2024, công trình đập hạ lưu Sông Dinh đã được đóng các cửa đáy để ngăn mặn, giữ ngọt, nhờ đó giúp vùng hạ lưu Sông Dinh không còn hiện tượng nhiễm mặn nhờ đó, giúp hơn 500ha cây trồng ở cuối nguồn Sông Dinh được canh tác ổn định.
Đồng chí Trương Thị Thanh Vân, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: Công trình đập hạ lưu Sông Dinh là công trình tổng hợp làm nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ tưới cho cây lương thực, rau màu, cây công nghiệp và cây ăn quả trên diện tích đất dọc hai bên bờ sông. Kết hợp cầu giao thông bên trên để phát triển giao thông theo hướng quy hoạch thành phố hai bờ sông và phát triển du lịch... Từ ngày công trình đập hạ lưu Sông Dinh đưa vào vận hành đã giúp người dân ở vùng hạ du không còn lo lắng về nguồn nước sinh hoạt cũng như sản xuất, đặc biệt là trong mùa nắng hạn năm nay, việc vận hành đập hạ lưu Sông Dinh đã góp phần dự trữ đến 3,5 triệu m3 nước cho Nhà máy cấp nước Đông Mỹ Hải, cũng như là cấp nước cho khu công nghiệp vực phía Nam.
Kha Hân