Phước Tiến: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, thời gian qua, xã Phước Tiến (Bác Ái) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, từng bước mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, lợi thế về quỹ đất sạch, rộng, giúp xã thu hút các doanh nghiệp (DN) đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (CNC), bước đầu mang lại hiệu quả rất khả quan.

Phước Tiến có hơn 4.700 người, trong đó dân tộc Raglai chiếm 74,58%, tổng diện tích tự nhiên trên địa bàn xã trên 7.600 ha. Đời sống của Nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi là chính. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện để Nhân dân phát triển sản xuất các loại cây trồng có năng suất và hiệu quả kinh tế như: Mì cao sản, bưởi da xanh, mía, dưa lưới; phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm... giúp thu nhập của người dân từng bước được nâng lên.

Đồng chí Pi Năng Bình, Bí thư Đảng ủy xã Phước Tiến cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân đổi mới cách làm kinh tế, lựa chọn giống cây, con có tiềm năng, lợi thế, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; đồng thời xác định DN có vị trí quan trọng trong phát triển của nông nghiệp CNC, những năm qua xã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Đến nay, trên địa bàn xã đã quy hoạch được 1 vùng phát triển nông nghiệp CNC, qua đó đã thu hút được 2 DN đầu tư sản xuất với các loại cây trồng như: Dưa lưới, dưa lê, rau sạch, bưởi da xanh, mô hình trồng chuối già Nam Mỹ... lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung ở xã Phước Tiến.

Tính từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn xã đã có 10 mô hình, dự án khoa học và công nghệ được thực hiện và đã ứng dụng nhân rộng như: Mô hình trồng bưởi da xanh và mô hình trồng điều cao sản với diện tích gần 40 ha tại 4 thôn Trà Co 1, Trà Co 2, Suối Đá, Suối Rua; mô hình trồng dưa lưới, bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP của DN Tăng trưởng xanh và Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp CNC Nam Miền Trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng năng suất và thu nhập cho các DN, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho lao động ở địa phương; mô hình chăn nuôi bò, dê sinh sản ở các thôn Trà Co 2, Suối Rua, Suối Đá... giúp kinh tế của người dân ngày càng phát triển đi lên.

Đến thăm Trang trại trồng dưa lưới và dưa lê của HTX Nông nghiệp CNC Nam Miền Trung tại thôn Suối Đá mới thấy hiệu quả rất khả quan từ việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Anh Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc HTX cho biết: Thời gian đầu lên vùng đất Bác Ái khởi nghiệp với mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nhiều người cho rằng sẽ khó thành công với mô hình này. Tuy nhiên, nhờ được UBND huyện và xã Phước Tiến tạo mọi điều kiện về mặt bằng và đường giao thông nên việc sản xuất thuận lợi, ngoài ra nhờ sự kiên trì và bằng kinh nghiệm thực tiễn của bản thân nên hiện tại mô hình của mình đã phát triển ổn định, có chỗ đứng trên thị trường, hằng năm đưa ra thị trường trên 230 tấn dưa lưới chất lượng cao, đạt doanh thu trên từ 6-7 tỷ đồng.

Đồng chí Pi Năng Bình, cho biết thêm: Nông nghiệp CNC đang tạo động lực phát triển cho xã Phước Tiến nói riêng và huyện Bác Ái nói chung, đây sẽ là điều kiện quan trọng để nông dân địa phương chuyển từ hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, có quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa dồi dào, chất lượng, mở ra hướng làm giàu mới cho người dân. Trong thời gian tới, xã tiếp tục kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC trên địa bàn. Khuyến khích, tạo điều kiện và có chính sách ưu đãi thu hút các tổ chức, nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật ở địa bàn, nhất là việc tuyển chọn, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù gắn với hình thành và phát triển hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất; phát huy hiệu quả của 4 nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà DN - nhà nông) để tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ từ nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục củng cố, xây dựng mối liên kết bền chặt giữa nông dân với DN tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa dồi dào và chất lượng trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về đất đai, lao động ở địa phương. Bên cạnh đó, xã sẽ tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về nông nghiệp CNC. Tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ; từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về vai trò của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.