Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Ninh Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có 83.736,27 ha đất sản xuất nông nghiệp, là tỉnh khô hạn nhất cả nước; cùng với địa hình bán sa mạc, quanh năm nắng gió nên gặp không ít khó khăn trong sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, những năm qua, Ninh Thuận đã biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, lợi thế để phát triển các nhóm ngành nông nghiệp đặc trưng, tạo ra nhiều sản vật phong phú, nhiều ngành nghề, sản phẩm đặc thù như: Nho, táo, tỏi, măng tây xanh, nha đam, dưa lưới, rong sụn; dê, cừu, tôm giống, muối, nước mắm; dệt thổ cẩm, gốm, thủ công mỹ nghệ và nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, đặc trưng vùng khô hạn... Qua đó đã thu hút đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng và tiêu dùng.
Người dân tin dùng các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Có thể nói, trong sự “ưu đãi” của thiên nhiên cùng với “cái khó ló cái khôn” đã giúp cho Ninh Thuận phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền có lợi thế đặc sắc, mỗi sản phẩm đem lại cho khách hàng sự hài lòng về hương vị, màu sắc, chất lượng, đặc biệt là du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh khai thác hiệu quả Chương trình OCOP. Qua thống kê, đến nay Ninh Thuận đã chứng nhận 69 sản phẩm OCOP (8 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 10 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt 3 sao). Đối với các hoạt động thương mại, tỉnh đã tổ chức giới thiệu gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của 19 chủ thể có sản phẩm chứng nhận OCOP để liên kết tiêu thụ với hệ thống siêu thị: WinMart, Co.opMart, FIVI Mart, kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, tỉnh ta còn hình thành 61 mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân trong sản xuất, sơ chế, tiêu thụ nông sản cho các ngành hàng chủ lực, gồm có: 56 chuỗi liên kết trồng trọt, với quy mô diện tích 14.300 ha, sản lượng 243.555 tấn. Về liên kết chăn nuôi, có 5 chuỗi liên kết, với quy mô diện tích 962.430 con, sản lượng 11.425 tấn. Đồng thời, có 1.398 cơ sở trồng trọt/3.322 ha được công nhận VietGAP; 2 cơ sở/49 ha được công nhận GlobalGAP.
Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng công nhận tiêu chí đánh giá 12 sản phẩm đặc thù tỉnh; trong đó có 10 sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, gồm: Nho, táo, măng tây xanh, tỏi, nha đam, rong sụn; tôm giống, cừu, dê; nước mắm Cà Ná và nhóm sản phẩm tiềm năng đặc thù tỉnh Ninh Thuận: Heo đen, bò vàng, trái cây Ninh Sơn. Đồng thời, đã hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 23 sản phẩm, trong đó có 2 chỉ dẫn địa lý (nho Ninh Thuận và thịt cừu Ninh Thuận); 11 nhãn hiệu chứng nhận (dê, tôm giống, rong sụn, nha đam, măng tây xanh, OCOP, nước mắm Cà Ná, trái cây Ninh Sơn, chuối hột mồ côi Phước Bình, thịt bò Ninh Thuận, du lịch Ninh Thuận); 10 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc trưng như: Heo đen, gà Thuận Bắc,...
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Trong thời gian tới, để kết nối cung - cầu các sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh phát triển một cách bền vững và phát huy hiệu quả tinh hoa nông sản Ninh Thuận, tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong nông nghiệp nâng cao năng lực công nghệ và trình độ kỹ thuật nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh thực hiện Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030. Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Củng cố hệ thống Chương trình OCOP các cấp để điều hành theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP định kỳ hằng năm; sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm OCOP và đặc thù như: VietGAP, GlobalGAP, VietGAHP, HACCP...). Đào tạo, tập huấn nâng cao cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước Chương trình OCOP cấp huyện, xã và chủ thể tham gia OCOP về xây dựng ý tưởng kinh doanh và phát triển kinh tế cộng đồng. Phát triển nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được công nhận, hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường; hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù, chủ lực của tỉnh, nhất là tăng cường giới thiệu 19 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của tỉnh lên website “Phiên chợ Khuyến nông” của Trung tâm Khuyến nông quốc gia; tham gia Techmart, TechDemo, Growtech. Đẩy mạnh việc tư vấn, hỗ trợ, xây dựng đăng ký sở hữu trí tuệ nhằm từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn hóa các sản phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và lưu thông mạnh mẽ trên thị trường trong và ngoài nước.
Văn Nỷ