Thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững

Nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, ngày 18/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4069/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Tính đến thời điểm cuối tháng 8 năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 101 hợp tác xã (HTX), với 18.886 thành viên. Trong đó, có 97 HTX đang hoạt động với tổng vốn 127,865 tỷ đồng; 3 HTX tạm ngừng hoạt động (gồm: HTX Dịch vụ nông nghiệp và Măng tây xanh Lợi Hải, huyện Thuận Bắc; HTX Nông nghiệp và Thương mại Tân Lập 1, huyện Ninh Sơn và HTX Thủy sản Phú Thọ, huyện Thuận Nam) và 1 HTX đang làm thủ tục giải thể (HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp - Chăn nuôi Tân Hà, huyện Thuận Nam).

Xét theo lĩnh vực hoạt động, sản xuất nông nghiệp có 75 HTX, chiếm 77,3%; tiểu thủ công nghiệp 7 HTX (chiếm 7,2%); kinh doanh dịch vụ tổng hợp 6 HTX (chiếm 6,2%); lĩnh vực vận tải 6 HTX (chiếm 6,2%) và 3 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động. Trong năm 2022, doanh thu bình quân của một HTX ước đạt 2.300 triệu đồng, tăng 2,2% so với năm 2021, trong đó doanh thu đối với các thành viên ước đạt 1.750 triệu đồng/năm, tăng 2,9% so với năm 2021; lợi nhuận bình quân ước đạt 225 triệu đồng/HTX, tăng 2,3% so với năm 2021; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX ước đạt 58 triệu đồng/người, tăng 16% so với năm 2021.

Gian hàng trưng bày sản phẩm của các hợp tác xã tại Hội nghị xúc tiến cung - cầu Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm“ (OCOP). Ảnh: V.Nỷ

Về tổ hợp tác (THT), đến cuối tháng 8 năm 2022, toàn tỉnh có 982 THT, trong đó: Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có 490 THT; các huyện: Thuận Nam 137 THT, Ninh Hải 40 THT, Thuận Bắc 100 THT, Bác Ái 110 THT, Ninh Sơn 27 THT và Ninh phước 78 THT. Ước đến cuối năm 2022 có khoảng 990 THT đang hoạt động, với khoảng 12.000 thành viên. Doanh thu bình quân của THT năm 2022 ước đạt 250 triệu đồng, tăng 4,2% so với năm 2021; lợi nhuận bình quân ước đạt 68 triệu đồng/năm, tăng 4,6% so với năm 2021.

Nhìn chung các HTX, THT trên địa bàn tỉnh hoạt động tương đối ổn định và có bước phát triển, trong đó đáng chú ý ở lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay có 54 HTX đang thực hiện liên kết với các doanh nghiệp (DN) sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đặc thù của tỉnh, như: Nho, măng tây xanh, lúa giống, bắp giống, hạt điều..., góp phần giảm bớt khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho hộ thành viên. Điển hình như: Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị lúa hiện có 37 HTX tham gia liên kết với các DN để hỗ trợ giống, phân bón, tổ chức các khâu làm đất đến khâu thu hoạch; hướng dẫn các thành viên áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” và liên kết DN sản xuất lúa giống đã giúp nâng thu nhập bình quân của các hộ thành viên lên 50 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó còn có các mô hình như: Mô hình liên kết theo chuỗi măng tây xanh hiện có 4 HTX liên kết, hợp tác với Công ty TNHH Linh Đan và Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến chuyên trồng măng tây xanh có giá trị kinh tế cao và áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm với tổng diện tích trên 53 ha. Doanh thu bình quân đạt khoảng 700 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Mô hình liên kết sản xuất bắp giống tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An, xã Phước Vinh (Ninh Phước) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi, chủ động liên kết với các DN giúp người dân mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất bắp lai giống và được bao tiêu 100% sản phẩm, tạo được chỗ dựa vững chắc cho các thành viên. Tổng diện tích trồng bắp trên 250 ha; năng suất bắp giống bình quân đạt 7 tấn/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 40 triệu đồng/ha. Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao hiện HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung đã áp dụng trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 2 ha, sản lượng ước đạt 200 tấn với doanh thu ước đạt 5 tỷ đồng/năm. Mô hình cánh đồng lớn sản xuất nho tại xã Vĩnh Hải có HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An đã ký kết hợp đồng với các hộ tham gia sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích gần 30 ha/76 hộ tham gia, với doanh thu ước đạt 750 triệu đồng/năm.

Công ty TNHH Linh Đan liên kết thu mua măng tây xanh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phan Bình

Đạt được những kết quả như kể trên là nhờ thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện khá đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX theo Luật HTX và theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho HTX trong việc thành lập mới, tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ khoa học - công nghệ, tài chính - tín dụng, đất đai... Qua đó, hiệu quả mà các HTX và THT mang lại, ngoài việc góp phần tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh còn là chỗ dựa cho kinh tế hộ cùng phát triển, là cầu nối để chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật và thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách nhanh chóng và hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho đời sống nông dân.

Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các HTX, THT trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, đó là: Năng lực quản trị HTX có mặt còn hạn chế, dẫn đến việc điều hành, xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng không nhiều nên việc liên kết tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; một số HTX khó khăn về vốn, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định của các ngân hàng thương mại. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn bất cập so với cơ chế quản lý mới, dẫn đến việc điều hành, xây dựng phương án kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu thị trường...

Để tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, phát triển thêm các HTX, THT, mở rộng quy mô thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Ngày 18/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4069/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2023 trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở quản lý ngành, UBND các huyện, thành phố và Liên minh HTX tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện tốt kế hoạch đề ra. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển HTX, tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX... Phấn đấu đến cuối năm có khoảng 10 - 12 HTX và khoảng 20 - 25 THT thành lập mới (trong đó lĩnh vực nông nghiệp có từ 6 - 7 HTX và khoảng 10 - 15 THT được thành lập mới). Số lượng thành viên thu hút mới khoảng 310 - 330 người, trong đó có khoảng 100 - 150 thành viên HTX và khoảng 100 - 150 thành viên THT. Doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 2,35 - 2,4 tỷ đồng/HTX/năm, doanh thu bình của THT đạt khoảng 260 - 270 triệu đồng/THT/năm. Thu nhập bình quân của HTX khoảng 230 - 240 triệu đồng/HTX/năm, THT đạt khoảng 70 - 80 triệu đồng/THT/năm. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ qua đào tạo đạt trình độ sơ cấp, trung cấp chuyên nghiệp, tăng khoảng 5% và trình độ cao đẳng, đại học tăng khoảng 10%. Cán bộ quản lý HTX được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về quản trị HTX đạt 100%. Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất từ 1 mô hình HTX kiểu mới liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị và hoạt động hiệu quả.