Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng

Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu (BQL) thực hiện chăm sóc 555,6 ha rừng trồng; trong đó, chăm sóc rừng trồng phòng hộ 208,05 ha, chăm sóc rừng trồng thay thế 347,55 ha. Với việc đơn vị triển khai kịp thời và quyết liệt các giải pháp bảo vệ rừng (BVR), hiện nay cây trồng sinh trưởng và phát triển tương đối tốt, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng và cải thiện môi trường sinh thái.

Trước điều kiện thời tiết thuận lợi, năm 2022 mưa chuyển mùa xuất hiện sớm, thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 đã có mưa trên diện rộng, lãnh đạo BQL đã chỉ đạo Phòng Khoa học- Kỹ thuật phối hợp với các trạm quản lý BVR huy động công lao động tại địa phương thực hiện công tác chăm sóc rừng trồng; đồng thời, động viên các hộ dân đăng ký trồng rừng phòng hộ thực hiện chăm sóc cây trồng ngay khi có mưa. Công tác tác trồng rừng thay thế trên lâm phần của BQL được triển khai có hiệu quả, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đủ điều kiện thành rừng. Công tác nghiệm thu rừng trồng thay thế kết thúc giai đoạn đầu tư cũng được chú trọng thực hiện có hiệu quả, qua đó góp phần phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc, nâng cao độ che phủ của rừng, chống xói mòn sạt lở núi. Năm 2017, BQL thực hiện trồng rừng thay thế với diện tích là 28,77 ha tại các tiểu khu 47a, 132, đến nay diện tích rừng trồng đã đến giai đoạn kết thúc đầu tư, đơn vị đã tiến hành đo, đếm, đánh giá rừng trồng thay thế, lập hồ sơ nghiệm thu công trình hoàn thành.

Một góc rừng phòng hộ Sông Sắt. Ảnh: Văn Nỷ

Nhằm tăng cường sự phối hợp trong công tác quản lý, BVR, ngăn chặn có hiệu quả mọi hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên lâm phần quản lý, đầu năm 2022 BQL đã ký kết Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý, BVR với Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) và các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn huyện Bác Ái. Trên cơ sở quy chế phối hợp được ký kết, các đơn vị phối hợp tổ chức các đợt tuần tra truy quét chống phá rừng, điều tra, xử lý các vụ vi phạm về phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng, góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất rừng tại các khu vực giáp ranh, các khu vực phát sinh phá rừng. Kết quả trong 9 tháng năm 2022, tình trạng phá rừng giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2021. Việc tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp BVR đã nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Qua đó, góp phần đẩy lùi các vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn quản lý và đặc biệt là khu vực vùng giáp ranh.

Công tác giao khoán BVR gắn với hỗ trợ sinh kế cho người dân tham gia BVR cũng được BQL quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Đơn vị giao khoán 14.606 ha rừng tự nhiên cho 28 cộng đồng với hơn 500 thành viên bảo vệ. Các cộng đồng nhận khoán BVR đều xây dựng quy chế BVR gắn với thực hiện sinh kế cho các thành viên với các nội dung: Quy định trực BVR; tuần tra truy quét BVR; phòng cháy, chữa cháy rừng; hình thức thực hiện mô hình chăn nuôi gia súc dưới tán rừng. Đến nay, các cộng đồng đã có đàn gia súc 616 con; trong đó, bò 480 con, dê 136 con.

Từ đầu năm 2022 đến nay, BQL đã phát huy được hiệu quả công tác BVR và thực hiện mô hình chăn nuôi gia súc dưới tán rừng có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân sống ven rừng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận tình trạng cố tình vi phạm lâm luật do lợi ích kinh tế vẫn diễn ra ở một số nơi. Chính vì vậy, thời gian tới, BQL sẽ tập trung tuyên truyền có chiều sâu và phổ biến sâu rộng Luật Lâm nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý, BVR, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ khai thác rừng trái phép.