Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

(NTO) Để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tạo được chuyển biến tích cực.

Về các địa phương trong những ngày này, chứng kiến không khí lao động hăng say, nhộn nhịp của bà con trên đồng ruộng, cảm nhận Nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn đang dần đi vào cuộc sống. Tiêu biểu cho ý thức chấp hành chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trong mùa nắng hạn đó là các địa phương đã tích cực vận động nông dân nhân rộng những mô hình sản xuất mới có hiệu quả.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng cạn ứng phó với thời tiết khô hạn,
anh Phạm Ân, thôn Phú Thuận (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn) hợp đồng với Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố
trồng 1 ha bắp lai.

Nhờ có sự vào cuộc của Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong việc tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác mới ngay tại đồng ruộng đã giúp huyện Ninh Phước giải được “bài toán” thiếu nước ở những vùng chuyển đổi. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Vụ đông-xuân này, toàn huyện gieo trồng 7.779ha; trong đó, chuyển đổi 618,54ha, chủ yếu là cây đậu xanh, nhiều nhất ở xã Phước Hữu. Dù chưa được cấp kinh phí hỗ trợ chuyển đổi, nhưng huyện đã mạnh dạn ứng giống đậu xanh hỗ trợ nông dân xuống giống được 120ha. Với không khí thi đua sản xuất lan tỏa rộng khắp như hiện nay, dự kiến đến đầu tháng 3, các xã trên địa bàn huyện sẽ hoàn thành xuống giống số diện tích chuyển đổi còn lại.

Ghi nhận của chúng tôi, công tác chuyển đổi cây trồng cạn theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ở các huyện có sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở từng khu vực. Tại huyện Ninh Sơn, sau khi khảo sát tình hình thực tế, Phòng NN&PTNT đã tham mưu cho UBND huyện đề xuất với tỉnh hỗ trợ xây dựng tuyến kênh phục vụ vùng sản xuất mía tập trung ứng dụng công nghệ cao ở khu vực Suối Mây thuộc địa bàn xã Quảng Sơn. Riêng thực hiện nhiệm vụ sản xuất vụ đông - xuân, huyện có kế hoạch chuyển đổi 150,41ha; trong đó, có 36ha đất lúa kém hiệu quả ở xã Mỹ Sơn chuyển qua trồng đậu xanh, bắp. Công tác chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, thời điểm hiện nay nông dân đang tích cực làm đất tiếp tục xuống giống.

Đáng mừng là, việc chuyển đổi cây trồng cạn của các địa phương ở vụ đông- xuân đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ Sở NN&PTNT lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020, đó là tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tiêu biểu như huyện Thuận Bắc, ngay từ đầu vụ đã tổ chức các cuộc hội thảo mời các doanh nghiệp phối hợp với huyện thành lập các tổ sản xuất, cung ứng giống, hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Qua đó, Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phú cam kết hỗ trợ kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm cây bắp, đậu xanh ở những vùng chuyển đổi để bà con an tâm sản xuất. Đồng chí Võ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, chia sẻ: Để đảm bảo vùng chuyển đổi tập trung trên quy mô lớn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất, huyện đã giao chỉ tiêu pháp lệnh chuyển đổi cụ thể cho các xã, lấy đó làm tiêu chí bình chọn thi đua.

Dù khó khăn đến mấy cũng quyết tâm chuyển đổi thành công cây trồng cạn đúng theo kế hoạch - đó là thông điệp đầu xuân của đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trở thành mệnh lệnh cụ thể hóa thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy. Thực tế nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được triển khai sâu rộng trong thời gian qua đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhiều trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức sản xuất quy mô hàng hóa, lấy doanh nghiệp làm đầu mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị. Khoa học-công nghệ, cơ giới được áp dụng rộng rãi ở các vùng chuyên canh cây trồng tập trung, các vùng chuyển đổi cây trồng cạn. Sở NN&PTNT cũng đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xác định hàng hóa chủ lực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.