Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - giải pháp ứng phó hiệu quả với hạn hán

(NTO) Hạn hán đã diễn ra trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ cuối năm 2014 đến nay với cường độ ngày càng gay gắt và trên diện rộng. Có thể nói, đây là đợt hạn hán khốc liệt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây đối với tỉnh ta.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, đạt cường độ mạnh kỷ lục và sẽ kéo dài đến tháng 6, có nơi đến tháng 9-2016. Như vậy, năm 2016 nguy cơ hạn hán tiếp tục diễn ra với mức độ càng khốc liệt hơn năm 2015 và sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, thực tế này không còn là “dự báo” mà đã trở thành hiện thực, minh chứng rõ nhất là lượng nước tích tại 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn từ 30-35% dung tích thiết kế; dự kiến đến đầu vụ hè-thu dung tích trữ chỉ còn lại trên dưới 25% dung tích thiết kế mà thôi. Theo tính toán, trong vụ đông-xuân này có 11 hồ đủ đáp ứng tưới, 9 hồ khác không đủ khả năng tưới nên phải dừng sản xuất. Dự báo đến vụ hè-thu chỉ còn 4 hồ đủ tưới, 6 hồ đáp ứng một phần, các hồ còn lại coi như cạn kiệt… Trước thực trạng nêu trên, vấn đề đặt ra là làm gì để vừa giảm thiệt hại, vừa khả dĩ tạo việc làm cho nông dân trong mùa hạn?.

Cán bộ Trạm Thủy nông Ninh Phước bơm nước để cứu lúa cho người dân.

Bà con nông dân bơm nước để cứu lúa.

Với tinh thần “sống chung với hạn” như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ta mới đây, theo Kế hoạch của UBND tỉnh ứng phó với hạn hán gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh, đối với sản xuất vụ đông-xuân 2015-2016 - đây là vụ sản xuất chính, trong điều kiện nguồn nước hồ Đơn Dương đáp ứng đủ cho sản xuất, cần tập trung gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch đề ra. Chủ yếu bố trí sản xuất thuộc khu vực được tưới hệ thống Nha Trinh-Lâm Cấm, Sông Pha, với tổng diện tích 20.455ha, trong đó cây lúa 13.350ha (giảm 2.645ha); cây màu 7.105ha (giảm 3.130ha).

Về sản xuất vụ hè - thu 2016: Sau khi kết thúc vụ đông-xuân, trên cơ sở nguồn nước được bổ sung tại các hồ chứa và lưu lượng xả từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè-thu đảm bảo phù hợp với khả năng tưới của các hồ, đập thủy lợi và tình hình thực tế của từng vùng, địa phương. Các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm tối đa diện tích trồng lúa, chuyển sang cây trồng cạn sử dụng ít nước (bắp, đậu, cỏ chăn nuôi,...); chỉ tập trung gieo trồng tại các khu vực tưới đảm bảo nguồn nước sau khi cân đối đủ nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc. Dự kiến diện tích gieo trồng vụ hè - thu 2016 là 23.500ha, trong đó: Cây lúa 11.500ha; cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày 12.000ha. Ngoài ra, trong vụ này phải lùi sản xuất tại một số khu vực của 2 hệ thống tưới để thực hiện kiên cố kênh mương và đường giao thông trên kênh, đồng thời phù hợp với kế hoạch đóng nước tu sửa đường ống định kỳ của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Cụ thể: Hệ thống kênh Chàm (Nhánh của kênh Nam) dự kiến lùi thời gian gieo trồng 40 ngày (thời gian đóng nước dự kiến từ ngày 20-4-2016 đến 1-6-2016, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là 1.723ha lúa trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Ninh Phước; hệ thống kênh Bắc dự kiến lùi thời gian gieo trồng 40 ngày (thời gian đóng nước dự kiến từ ngày 25-4-2016 đến 5-6-2016), diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là 3.874,83ha lúa trên địa bàn 12 xã, phường thuộc huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Bắc và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Hiện tại, vụ đông-xuân toàn tỉnh phải ngửng sản xuất 5.775ha, đồng thời chuyển đổi trên 1.030ha. Vụ hè-thu theo dự kiến sẽ có trên 10.000ha phải dừng sản xuất.

Nông dân canh tác cây trồng cạn ít sử dụng nước tưới. Ảnh: Hồng Lâm

Tìm “đáp án” cho bài toán nước tưới sản xuất nông nghiệp đã khó, đặc biệt đối với tỉnh khô hạn nhất cả nước như tỉnh ta lại càng khó hơn. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm chống hạn những năm qua, cộng với một số giải pháp như thực hiện quản lý, điều tiết nguồn nước hợp lý, theo dõi diễn biến nguồn nước để chỉ đạo vận hành các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi, tranh thủ điều kiện thuận lợi để lấy nước và trữ nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt; vận động người dân thực hiện các biện pháp tích nước, tưới nước tiết kiệm, phù hợp với nguồn nước và tình hình sản xuất của từng địa phương; tổ chức nạo vét, phát dọn kênh, mương để khơi thông dòng chảy, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho Nhân dân. Xây dựng các phương án cấp điện cho các trạm bơm nước, hệ thống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để cung cấp kịp thời nguồn nước sinh hoạt cho Nhân dân trong thời gian hạn hán; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chủ động thích nghi với hạn hán. Mặt khác, tiếp tục ưu tiên đầu tư các hệ thống thuỷ lợi, nâng cấp, xây dựng bổ sung các hồ chứa nước chủ động tích nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm để sử dụng hiệu quả, hạn chế thất thoát tài nguyên nước…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp với tinh thần quyết liệt chống hạn của các cấp, ngành, địa phương cộng với hợp tác tích cực của người dân… đây sẽ là “đáp án” đúng cho bài toán chống hạn của tỉnh ta.