Vấn đề hôm nay:

Cần xác định “sống chung với hạn”!

(NTO) Ngày 22-2 vừa qua, tại tỉnh ta sau khi đi thị sát thực tế tình hình hạn hán ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo 9 tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Bình Phước về tình hình hạn hán và giải pháp chống hạn, giảm thiệt hại cho người dân.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tình hình hạn hán hiện nay ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là một hình thái khác của El-Nino đối với khu vực này nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân nơi đây, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có giải pháp cấp bách, kịp thời để giảm thiểu tác động đến đời sống người dân. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hạn hán diễn ra từ cuối năm 2015 sẽ còn kéo dài đến tháng 6-2016, thậm chí một số địa phương đến tháng 8, tháng 9 năm nay sẽ không có mưa. Đây là đợt hạn hán có thể nói gay gắt, khốc liệt và kéo dài nhất trong nhiều thập kỷ qua.

 Cán bộ Trạm Thủy nông Ninh Phước hướng dẫn cho bà con bơm nước để cứu cây lúa.
Ảnh: Mai Dũng

Riêng tại tỉnh ta, dự kiến đến vụ hè thu có 9/21 hồ chứa thuộc lưu vực sông Cái (Phan Rang) không thể cấp nước cho sản xuất, 6 hồ khác chỉ đáp ứng một phần, nên diện tích phải dừng sản xuất trên 10.000ha. Hiện tại ở vụ đông- xuân phải dừng sản xuất trên 5.770ha. Theo cảnh báo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Việt Nam là một trong hai nước bị ảnh hưởng trầm trọng nhất thế giới do biến đổi khí hậu, cụ thể là nhiều tỉnh đang đối mặt với tình trạng hạn hán gay gắt nhất trong nhiều năm qua. Cho nên việc chống hạn không chỉ bàn các giải pháp tức thời cho năm 2016 này mà cần đặt trong tầm nhìn rộng cho nhiều năm tới, với cách tiếp cận mới chứ không chỉ là đối phó bình thường. Với tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt hơn như rà soát và cân đối nguồn tài nguyên nước hiện có tại các hồ chứa để để sử dụng hiệu quả nguồn nước hiện có bằng cách điều tiết hợp lý cho các lĩnh vực sản xuất, trong đó ưu tiên cung cấp nước cho sinh hoạt, nước uống cho đàn gia súc…Mặt khác, phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết để phối hợp và có biện pháp chủ động sử dụng nguồn nước cho gia đình và sản xuất tiết kiệm nhất. Có biện pháp chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và cây trồng, không nhất thiết phải chú trọng đến sản lượng đạt được mà cần tạo điều kiện cho nhiều nông hộ được sản xuất vì “Chúng ta dừng sản xuất nông nghiệp, tôi không biết người dân tới đây lấy gì để sống”, Bộ trưởng trăn trở!.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các tỉnh, các cấp chính quyền, ban, ngành… phải tập trung xem nhiệm vụ chống hạn là ưu tiên số một trong thời điểm hiện nay. Đồng thời với chống hạn, không được để dân thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất, không để xảy ra dịch bệnh do hạn hán, bảo đảm an ninh trật tự xã hội trong điều kiện thiếu thốn nguồn nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Lãnh đạo các địa phương cần nhận thức đầy đủ về hạn hán hiện nay; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để có giải pháp, vận động nhân dân thay đổi cây trồng vật nuôi. Tăng cường, cân đối, quản lý, sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả hơn. Chủ động theo dõi thời tiết kịp thời, vận hành hiệu quả các hồ chứa nước, huy động nhân dân tham gia xây dựng các công trình chứa nước, bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân. Đưa đàn gia súc đến nơi có nguồn nước nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định. Đặc biệt, xác định cơ cấu cây trồng vật nuôi trong điều kiện thiếu nước để chuyển đổi kịp thời; tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi, mạnh mẽ hơn trong Nhân dân để có được nhận thức đầy đủ về tình trạng hạn hán gay gắt hiện nay để tham gia chống hạn…

Suy cho cùng, đã đến lúc cần xác định “sống chung với hạn” để chuyển bất lợi thành lợi thế để phát triển sản xuất, tạo cuộc sống ổn định cho người dân.