Lại chuyện nông dân “nở rộ” trồng dưa tết

(NTO) Hiện nay, đang bước vào vụ trồng dưa tết, nhiều người dân tại huyện Bác Ái và Ninh Sơn đang tích cực chăm sóc, mở rộng diện tích trồng loại cây này, kỳ vọng có một mùa dưa bội thu.

Anh Nguyễn Văn Nhân (ở thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn) nhưng đã thuê đất để trồng dưa tại xã Phước Thắng (Bác Ái) từ nhiều năm nay. Nếu như các năm trước, gia đình anh chỉ trồng khoảng 1ha thì năm nay anh quyết định mở rộng diện tích trồng lên 2ha để phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán. Anh cho biết: Vụ dưa này thời tiết tương đối thuận lợi, nên phát triển rất tốt. Tuy nhiên chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao, ngoài công chăm sóc, ước tính chi phí cho 1ha khoảng 130 triệu đồng. Anh Nhân tính toán nếu giá dưa khoảng từ 7-8 ngàn đồng/kg trở lên thì mới có lãi. Thế nhưng giá cả cũng rất bấp bênh và phụ thuộc rất lớn vào thị trường.

 

Người dân mở rộng diện tích trồng dưa tại Bác Ái.

Cùng với anh Nhân, năm nay gia đình anh Phan Đình Tùng (ở xã Phước Tiến, Bác Ái) cũng tăng diện tích trồng dưa từ 1,5ha lên 2ha. Anh Tùng cho biết: Không chỉ gia đình anh mà nhiều hộ dân tại địa phương cũng mở rộng diện tích trồng dưa phục vụ tết, vì vậy điều lo ngại nhất là việc tiêu thụ dưa sẽ gặp khó khăn vì sản lượng năm nay dự tính sẽ rất nhiều.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái, người trồng dưa trên địa bàn chủ yếu là người dân từ huyện Ninh Sơn đến thuê đất để trồng với diện tích trên 180ha trồng dưa, trong đó có 170 ha trồng trong vụ đông-xuân là vụ chính để phục vụ Tết Nguyên đán, còn vụ hè-thu chỉ 12 ha. Ông Bá Duy Trường, chuyên viên phòng NN &PTNN huyện Bác Ái cho biết: Năm nay do hạn hán kéo dài nên kế hoạch của huyện chỉ khuyến cáo trồng dưa vụ đông-xuân 2015 là 110ha, tuy nhiên, thực tế hiện nay người dân đua nhau trồng loại cây này khiến diện tích tăng nhanh và rất khó kiểm soát. Điều này gây nên những hệ lụy xấu cho sản xuất nông nghiệp. Tuy huyện đã khuyến cáo không mở rộng diện tích nhưng nhiều người dân vẫn trồng theo kiểu tự phát, không theo quy hoạch, rất khó quản lý.

Thực tế, một số vụ trước đây, người trồng dưa đã “trúng đậm” do giá dưa lên cao, vì vậy năm nay người trồng dưa đã “đánh liều” tăng diện tích, đầu tư chi phí lớn, kỳ vọng có một vụ dưa bội thu. Tuy nhiên việc mở rộng diện tích trồng dưa đồng nghĩa với việc nông dân phải “đánh cược” vào giá cả tiêu thụ, vì thông tin duy nhất mà bà con được biết là các thương lái đưa ra, giá cả thu mua cũng do thương lái định đoạt, người dân thấy lợi trước mắt thì cứ đổ xô trồng, cùng với đó là lượng nước tưới theo kế hoạch của huyện cũng sẽ mất cân bằng.