Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã

(NTO) Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 75 HTX, với gần 28.000 thành viên, bao gồm 36 HTX dịch vụ nông nghiệp, số còn lại hoạt động trong các lĩnh vực phi nông nghiệp như: xây dựng, vận tải, tiểu thủ công nghiệp…

Trong năm 2015, Liên minh HTX đã thành lập mới 8 HTX, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, hoạt động kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX trong năm qua tiếp tục có những chuyển biến rất đáng ghi nhận. Các chương trình mục tiêu như: Tam nông, xây dựng nông thôn mới, cạnh tranh nông nghiệp… được thực hiện lồng ghép vào hoạt động phát triển của HTX, đã góp phần phát huy hiệu quả tại nhiều địa phương. Nổi bật là HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp và các HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp.

 
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo An làm tốt dịch vụ cung ứng phân bón.

Các HTX bước đầu đã có những hỗ trợ kinh tế cho xã viên ở nhiều mặt, qua đó từng bước đáp ứng được nhu cầu về chất lượng dịch vụ, giúp các thành viên giảm nhiều chi phí trong đầu tư, nâng cao hiệu quả trong sản xuất và từng bước mở rộng quy mô hoạt động. Bên cạnh đó, hoạt động của HTX tại một số vùng khó khăn cũng đã hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp của nhiều thành viên, nhất là những thành viên nghèo, thiếu vốn sản xuất; đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhiều HTX cũng đã tạo mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, luôn chủ động đáp ứng nguồn phân bón, giống cây trồng cho nông dân. Thông qua sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, nhiều HTX đã kết nối được chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ hợp tác, nhóm đồng sở thích… để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao như: táo, nho, tỏi, rau sạch, măng tây xanh, rong sụn, thủy-hải sản…Qua đó, từng bước chuyển đổi các mô hình sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh nông nghiệp, giúp tăng thu nhập cho thành viên. Điển hình như: HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hữu Đức, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Như Bình (Ninh Phước); HTX Nghề cá Vĩnh Hy (Ninh Hải)… Hiện nay, mức doanh thu trung bình của các HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp vào khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của các xã viên làm việc thường xuyên tại các HTX vào khoảng 36 triệu đồng/năm; ở lĩnh vực kinh doanh tổng hợp, mức doanh thu trung bình đạt khoảng 2,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân của lao động cũng đạt khoảng trên 30 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động phát triển mở rộng của nhiều HTX, thì qua thực tiễn đánh giá, tại nhiều khu vực, việc phát triển kinh tế theo mô hình HTX vẫn còn khá yếu, đặc biệt ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như tại khu vực huyện miền núi Bác Ái, hiện có 5 HTX nhưng 2 HTX đã ngưng hoạt động, 3 HTX còn lại, gồm: HTX Dịch vụ-Tổng hợp Phước Thắng, HTX Dịch vụ-Tổng hợp Phước Tiến và HTX Dịch vụ-Tổng hợp Phước Đại thì cũng hoạt động cầm chừng, hiệu quả kinh tế và xã hội mang lại cho các thành viên chưa nhiều, việc thu hút xã viên tham gia vào HTX cũng rất khó khăn. Theo ông Dương Hoài Văn, Trưởng phòng Kế hoạch-Hỗ trợ, Liên minh HTX tỉnh, không riêng gì ở huyện Bác Ái, hiện nay một số khu vực khác, việc phát triển HTX cũng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân một phần do năng lực quản lý, sản xuất, kinh doanh của nhiều HTX nhìn chung còn yếu, quy mô nhỏ, nguồn vốn ít, hiệu quả hoạt động thiếu ổn định; khả năng cạnh tranh còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất chưa được đầu tư cải tiến… Đặc biệt đối với khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số thì một số chính sách hỗ trợ HTX triển khai chưa kịp thời, một số HTX vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước… Do đó, nhiều HTX đến nay vẫn đang hoạt động mang tính cầm chừng.

Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, với mục tiêu tiếp tục nâng cao vai trò của kinh tế tập thể, trong đó hình thức HTX là nòng cốt, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung hoàn thành việc chuyển đổi, củng cố các HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động thực hiện theo Luật HTX năm 2012; triển khai kịp thời các chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế HTX theo Quyết định 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phát triển HTX chú trọng vào các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gắn với phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; phát triển HTX với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn nhằm hỗ trợ phát triển, mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và ổn định cuộc sống cho nông dân.