Theo đánh giá, thời tiết trên các vùng biển mà ngư dân trong tỉnh tham gia đánh bắt, chủ yếu từ Khánh Hòa xuống các tỉnh Tây Nam Bộ ít chịu tác động bởi các cơn bão xuất hiện trên Biển Đông. Số lượng tàu cá hoạt động khai thác trên 93%, với các nghề như pha xúc cá cơm, lưới vây, lưới rê và một số tàu cá hoạt động khai thác vùng lộng và ven bờ. Để hỗ trợ cho các chủ tàu vươn khơi bám biển, Chi cục Thủy sản tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết; cập nhật, thông báo 16 bản tin dự báo ngư trường của Viện Nghiên cứu Hải sản, giúp ngư dân có kế hoạch, phương án đánh bắt phù hợp.
Ngư dân huyện Thuận Nam khai thác hải sản vụ cá Nam đạt sản lượng cao.
Mặc dù, đàn cá nổi xuất hiện trong thời gian ngắn trên các ngư trường và cục bộ trên một số vùng biển, nhưng nhờ kiên trì bám sát nên nhiều tàu cá kịp thời khai thác đạt hiệu quả. Ước sản lượng khai thác toàn tỉnh trong năm 2024 đạt trên 132.641 tấn hải sản các loại, phần lớn sản phẩm thu được chủ yếu tiêu thụ tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, giá bán các sản phẩm khai thác tương đối ổn định như cá cơm, cá nục, cá đổng, cá ngừ, cá cờ có mức giá dao động từ 20.000-70.000 đồng/kg; các loại mực ống, mực nang, tôm được bán với giá từ 80.000-250.000 đồng/kg; nhờ thị trường tiêu thụ mạnh, cộng với giá xăng dầu giảm, hầu hết ngư dân đều có lãi sau mỗi chuyến biển.
Bên cạnh đó, hoạt động theo dõi, kiểm tra, kiểm soát trên biển cũng được quản lý chặt chẽ thông qua thiết bị giám sát hành trình tàu cá; quá trình thẩm định, xét duyệt xin đóng mới, cải hoán tàu, cấp giấy phép, nộp nhật ký đánh bắt khai thác được thực hiện đảm bảo, tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Thu mua hải sản ở cảng cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải (Ninh Hải). Ảnh: Kha Hân
Cùng với khai thác, hoạt động nuôi trồng thủy sản có nhiều tín hiệu tích cực, cơ cấu sản xuất được chuyển dịch theo chiều sâu tập trung phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp, người dân chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình nuôi an toàn sinh học giúp con giống sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất vụ nuôi không ngừng tăng lên. Đáng ghi nhận hơn, nuôi tôm hùm thương phẩm có sự bứt phá về quy mô diện tích cũng như chất lượng sản phẩm, với 127 bè nổi và khoảng 1.000 lồng chìm nuôi tôm hùm tại các khu vực: Bình Tiên, Mỹ Tân, Cà Ná, An Hải và vùng C1, C2. Trong suốt quá trình thả nuôi không có dấu hiệu của dịch bệnh, sản lượng thu hoạch 185 tấn, ước đạt 185% kế hoạch, giá bán tôm hùm xanh dao động từ 900.000-1.100.000 đồng/kg và từ 1,5-2,5 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông. Riêng ốc hương có diện tích 180ha nhờ nuôi theo hình thức thâm canh với mật độ phù hợp, cho năng suất đạt cao từ 35-45 tấn/ha, sản lượng ốc cho thu hoạch ước đạt 4.400 tấn, đạt 231,6% kế hoạch. Ngoài ra, các đối tượng nuôi khác như: Cá bớp, cá mú, cá chẽm, cá chim, hàu, cua, ghẹ... đều có sản lượng tăng cao so với năm trước, đem lại lợi nhuận đáng kể cho hộ nuôi. Đối với sản xuất giống thủy sản, có nhiều thuận lợi hơn so với mọi năm. Do nhu cầu về tôm giống trên cả nước tăng cao nên các cơ sở sản xuất hoạt động hết công suất để đáp ứng sức tiêu thụ của thị trường.
Công ty tôm giống Nam Thành Lợi ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải) kiểm tra, đóng gói tôm giống để cung cấp cho khách hàng. Ảnh: Văn Nỷ
Với khoảng 464 cơ sở sản xuất, sản lượng tôm giống trong năm 2024 đạt 45.180 triệu postlarvae, ước đạt 101.5% kế hoạch. Cùng với đó, 40 cơ sở sản xuất các đối tượng hải sản khác như ốc hương, hàu, cá biển đều có sản lượng tăng mạnh. Theo thống kê, sản xuất ngành thủy sản trong năm 2024 ước đạt 8.163,5 tỷ đồng, tăng 4,71% so với năm 2023 và đóng góp 14% vào tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Kim Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Trong năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu sản lượng khai thác đạt 130.000 tấn, sản xuất giống thủy sản 45 tỷ con và tổng sản lượng thủy sản thương phẩm đạt 11.000 tấn. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành chủ động phối hợp cùng với chính quyền địa phương tiếp đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với từng địa bàn vùng biển; rà soát, củng cố hoạt động của các tổ đội đoàn kết khai thác trên biển, nắm chắc tình hình diễn biến ngư trường, định hướng nghề khai thác hiệu quả cho ngư dân. Tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn hộ nuôi áp dụng tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (GAqP) vào hoạt động nuôi tôm thương phẩm, ghi chép nhật ký ao nuôi, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thực hiện quan trắc môi trường, kịp thời đưa ra các cảnh báo dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khuyến cáo cho người dân có biện pháp phòng tránh kịp thời.
Hồng Lâm