Phát triển chuỗi giá trị vùng bán khô hạn ở An Hải

(NTO) Là một trong ba xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ tam nông (HTTN) của huyện Ninh Phước, An Hải có diện tích đất nông nghiệp trên 1.210 ha, trong đó có một nửa là vùng đất cát bạc màu, có khí hậu bán khô hạn. Từ thực tế sản xuất trên, Ban Phát triển xã và người dân các thôn đã lựa chọn các chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo phù hợp với lợi thế địa phương. Để phát triển chuỗi giá trị, An Hải tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất.

Trong 4 năm qua, An Hải đã thành lập được 25 tổ nhóm đồng sở thích (CIG) có chung lợi ích tập trung ở chuỗi giá trị nho, táo, măng tây xanh, dê và cừu. Đến thời điểm này đã có 10 CIG được hưởng lợi từ dự án, trong đó có 4 CIG đạt hiệu quả rất tốt. Anh Huỳnh Văn Hiệp, cán bộ chuyên trách dự án xã An Hải cho biết: Tham gia các nhóm này hầu hết là nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất các loại cây, con theo chuỗi giá trị đã xác định. Để đào tạo nâng cao năng lực nông dân địa phương, từ năm 2013 đến nay, ngoài việc cử nông dân tham gia các lớp tập huấn do các ngành chức năng tỉnh mở, Ban Phát triển xã còn phối hợp với Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) mở tại chỗ các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác các chuỗi giá trị sản phẩm cụ thể của từng thôn như: trồng hành, tỏi theo hướng VietGAP; trồng táo, nho và tiếp cận thị trường; chăn nuôi cừu... Riêng từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 17 lớp tập huấn tại hiện trường (FFS) về kỹ thuật trồng măng tây xanh, hành, tỏi, kỹ thuật nuôi và cách phòng trừ dịch bệnh cho gà, tập huấn lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và công tác quản lý tổ nhóm, hỗ trợ xây dựng các đề xuất tham gia Quỹ dự án nhỏ canh tranh (CSG) cho các thành viên nòng cốt của các CIG.

 
Anh Nguyễn Văn Minh Quý ương giống măng tây xanh do Quỹ CSG hỗ trợ để cung cấp các thành viên trong CIG.

Do địa hình An Hải nằm vùng cuối kênh Nam nên thường xuyên bị lũ lụt gây thiệt hại mùa màng, mùa khô dễ bị khan hiếm nước, thêm nữa kết cấu hạ tầng chưa xây dựng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và thủy lợi, đã kìm hãm sự phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Vì vậy việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng luôn được An Hải quan tâm hàng đầu. Theo đó năm 2013, từ hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh thông qua nguồn vốn CDF (Quỹ phát triển cộng đồng), An Hải đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa đường nội thôn Tuấn Tú ra khu sản xuất rau an toàn có chiều dài 453,37 m (phục vụ cho chuỗi giá trị rau quả an toàn và bò); bê-tông bờ tràn vùng ruộng Rọc có chiều dài 45,3 m (phục vụ chuỗi giá trị lúa, bò) và nâng cấp tuyến mương nội đồng vùng ruộng lúa Tà Đe có chiều dài 366,4 m (phục vụ chuỗi giá trị táo, nho, lúa và bò) thuộc thôn Long Bình 2. Năm 2014, từ nguồn vốn Quỹ CDF, Ban Phát triển xã An Hải tiếp tục đầu tư làm đường nội thôn Long Bình 1 dài 300m (phục vụ chuỗi giá trị bò, nho, táo).

Ngoài ra, từ vốn đối ứng đầu tư hạ tầng sản xuất, An Hải còn tiến hành xây dựng công trình sân phơi thôn An Thạnh 1 (diện tích 1.080 m2) và nâng cấp, sửa chữa 290 m tuyến mương tưới tiêu chống ngập úng vùng sản xuất thôn An Thạnh 1, phục vụ các nhóm táo, nho, lúa. Đáng nói là Quỹ CDF còn hỗ trợ 1 chuồng và 1 con bò cái cho các CIG nuôi bò thôn Long Bình 1 và 2; 6 chuồng và 6 con cừu cái cho CIG nuôi cừu sinh sản thôn Nam Cương; 6 chuồng nuôi dê cho CIG nuôi dê sinh sản thôn An Thạnh 2; 7 chuồng và và 9 con dê cái cho CIG nuôi dê sinh sản thôn Tuấn Tú và hỗ trợ phân, thuốc bảo vệ thực vật cho CIG trồng táo thôn Long Bình 1. Có thể nói từ nguồn vốn của dự án HTTN tỉnh, đã giúp An Hải phát triển các chuỗi giá trị thế mạnh của địa phương, tạo cơ hội cho các hộ thành viên CIG thoát nghèo, góp phần tạo chuyển biến công tác giảm nghèo ở An Hải. Nếu năm 2011, toàn xã có 324 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,96%), thì đến năm 2014 đã giảm xuống còn 199 hộ nghèo (6,96%).

Gần đây, thực hiện giai đoạn 1, Quỹ CSG đã hỗ trợ 22.100 hạt giống cho 4 CIG trồng măng tây xanh của các thôn Nam Cương, Tuấn Tú. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2 từ nay đến cuối năm, Quỹ CSG sẽ tiếp tục hỗ trợ mỗi hộ thành viên CIG vật tư phân thuốc, máy bơm và ống nước để lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Mục đích dự án nhằm duy trì và phát triển thêm chuỗi giá trị rau an toàn, một sản phẩm lợi thế của địa phương, qua đó tăng thu nhập, trình độ sản xuất kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường của thành viên các CIG, hướng đến giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững.