Nông dân xã Quảng Sơn có thể thêm một mùa mía thất thu

(NTO) Theo kế hoạch của Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang, khoảng cuối tháng 11 năm nay, niên vụ mía 2015–2016 sẽ chính thức đi vào thu mua. Tuy nhiên, với nông dân xã Quảng Sơn (Ninh Sơn), địa phương được xem là “thủ phủ” mía của cả tỉnh, niên vụ năm nay được dự báo sẽ thêm một mùa phải nếm “vị đắng” từ cây mía.

Theo ông Lê Đình Anh, đại diện Ban Điều hành cây mía xã Quảng Sơn, nắng hạn kéo dài từ giữa vụ năm 2014 đã làm nhiều nông dân trên địa bàn xã lao đao. Tổng kết niên vụ mía 2014–2015, năng suất bình quân mía trên địa bàn xã chỉ đạt khoảng 43-45 tấn/ha. Có nhiều hộ chỉ đạt tầm 30-35 tấn/ha. So với năng suất bình quân của các vụ trước giảm từ 15-20 tấn/ha. Niên vụ 2015–2016, toàn xã trồng trên 1.950ha, với tình hình thời tiết nắng hạn kéo dài như thời gian qua thì mùa mía năm nay chắc chắn nông dân sẽ khó khăn thêm bội phần, bởi hơn 2/3 diện tích mía toàn xã nằm trong vùng không chủ động nước đều không thể phát triển. Các diện tích phát triển được, tới thời điểm này thân mía mới chỉ cho lóng được khoảng 4–5 tấc. Từ đây tới thời điểm thu hoạch rộ, nếu thời tiết cho mưa đều thì các diện tích này hy vọng có thể phát triển được thêm chút ít, còn năng suất mía thì chắc chắn năm nay sẽ giảm rất thấp.

 
Dù đã gần 10 tháng tuổi nhưng mía của nhiều hộ nông dân mới chỉ đạt khoảng 4 – 5 tấc lóng

Có mặt trực tiếp tại các khu vực mía trọng điểm như Suối Mây, Chơ Vơ, Sông Dầu… theo ghi nhận của chúng tôi, hàng trăm ha mía nằm trong độ tuổi từ 9-10 tháng dù ngọn xanh mướt, nhưng thân mía mới chỉ cho lóng khoảng 2-3 gang tay. Với vẻ mặt ngao ngán, nông dân Nguyễn Phương, thôn Triệu Phong 2, cho biết: “Mía nhà tôi đã 10 tháng tuổi, nhưng mới chỉ hai gang tay, lóng như thế này thì làm sao mà thu hoạch, dù có mưa đi nữa thì cũng không thể lên nổi, vụ này chắc chắn gia đình sẽ lỗ nặng”. Được biết, năm nay, gia đình anh Phương đầu tư 4ha mía, trong đó trồng mới 2ha mía tơ, còn 2ha mía gốc tiếp tục chăm sóc từ tháng 12 niên vụ trước. Do nắng hạn kéo dài nên hầu hết các diện tích mía không thể phát triển. Theo anh Phương, gia đình ký hợp đồng thu mua với công ty vào trung tuần tháng 12 sắp tới, tuy nhiên với diện tích mía phát triển như hiện nay thì việc thu hoạch chưa biết sẽ như thế nào. Và nếu công ty có tiến hành thu mua thì sản lượng mía chắc cũng chỉ được vài tấn. Không riêng gì hộ anh Phương, hàng trăm ha mía của các hộ nông dân khác thân mía cũng chỉ một, hai gang tay dù tháng tuổi đã kéo dài qua con số 10. Qua tìm hiểu của chúng tôi, với tình hình như thế, nhiều nông dân đang lo ngại không chỉ lỗ vốn đầu tư, mà còn phải bỏ thêm tiền túi để trả công thuê chặt nếu vào vụ thu hoạch.

Theo ông Vòng A Lương, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Sơn, năng suất mía dự báo sẽ rất thấp, trong khi mùa thu hoạch mới đã cận kề thì việc người dân lo lắng và chấp nhận “trắng tay” là điều dễ hiểu. Thời gian qua, đã có nhiều hộ gia đình đến UBND xã làm đơn xin giảm diện tích hợp đồng thu mua với công ty bởi năng suất không đạt. “Nhiều ngày qua, lãnh đạo địa phương và cán bộ nông nghiệp huyện đã đi kiểm tra thực tế tại các cánh đồng mía nằm trong vùng không chủ động nước, nhìn mía của bà con rất đáng buồn. Nhiều diện tích hầu như không thể có năng suất nếu vào mùa thu hoạch”-Bí thư Đảng ủy xã trăn trở. Được biết, trong đợt nắng hạn vừa qua, toàn xã Quảng Sơn có trên 1.300ha mía nằm trong vùng không chủ động nước bị thiệt hại trên 70%, từ nguồn kinh phí chống hạn của Trung ương, địa phương đã hỗ trợ cho người dân với diện tích 617ha (mức hỗ trợ 4 triệu đồng/ha), còn khoảng 730ha đang được xem xét hỗ trợ.

Trao đổi với chúng tôi, Ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang, cho biết: Trước tình hình hạn hán vừa qua, phía lãnh đạo công ty thông cảm với khó khăn với bà con. Theo đó, đối với các diện tích mía trong vùng không chủ động nước, trước khi vào vụ thu hoạch, phía công ty sẽ cho cán bộ khảo sát, đánh giá lại thực tế từng diện tích, bởi đa số các diện tích này thường phải qua tết Dương lịch mới tiến hành thu mua. Nếu từ đây đến thời điểm thu hoạch thời tiết không mưa, phía công ty sẽ đề suất lên Hội đồng quản trị có hướng hỗ trợ người dân hợp lý. Trước mắt, các đề xuất của người dân về việc giãn nợ, giảm lãi trong niên vụ 2015–2016 đã được phía công ty cơ bản chấp thuận.

Chưa vào vụ thu hoạch nhưng người trồng mía năm nay biết chắc sẽ thêm mùa thất bại. Thêm một câu hỏi đặt ra cho các ngành chức năng là giải pháp nào cho vùng nguyên liệu mía thật sự phát triển bền vững khi phần lớn diện tích mía phải trông chờ vào nước trời, dù đã có những định hướng về thay đổi giống, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp từ nhiều năm qua?

Về giá cả, năm nay, giá thu mua chính thức từ phía Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang là 860.000 đồng/tấn (mía 10 chữ đường), công ty sẽ hỗ trợ thêm 40.000 đồng/tấn mía đầu vụ cho người dân về một số chi phí khác. Để việc thu mua diễn ra hợp lý, tránh những vấn đề người dân băn khoăn như các vụ trước về việc phát lệnh chặt, chậm thu mua, chữ đường thấp... phía công ty cũng đã có kế hoạch cụ thể. Theo đó, lệnh chặt thu mua sẽ phát trước 15 ngày, cán bộ phụ trách địa bàn nếu để tình trạng người dân chờ xe mía quá ngày quy định sẽ chịu trách nhiệm. Đối với chữ đường, sắp tới phía công ty sẽ mời các ngành như: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Nông nghiệp… và đại diện phía nông dân trực tiếp xem xét quy trình cũng như kết quả đo chữ đường mía để người dân an tâm, tránh việc hiểu nhầm phía về gian lận chữ đường”-ông Văn Hữu Thận cho biết.